Chiếu pran của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được làm từ cây dứa dại thường mọc ven suối, quanh các giọt nước, chiếu pran đã gắn bó với cuộc đời biết bao thế hệ người Jrai. Thế nhưng, loại chiếu có hàng trăm năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ mai một...

Nghề truyền thống

 

Ảnh: Phương Vy
Ảnh: Phương Vy

Theo lời của Trưởng thôn Rơ Mah Gel thì làng Sung Lớn (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) có khoảng 70% phụ nữ lớn tuổi biết đan chiếu pran. Hầu như bên trong mỗi gian nhà đều dành một góc nhỏ để chứa nguyên liệu làm chiếu, là những bó cây dứa đã được tước nhỏ và phơi khô. Trong căn bếp của mỗi nhà, nơi khô ráo nhất thường treo gọn gàng vài chiếc chiếu pran đã hoàn chỉnh, chờ dịp sử dụng hoặc chờ người đến mua…

“Từ khi tôi còn nhỏ đã thấy bà và mẹ làm chiếu này rồi. Ngày xưa làm gì có chiếu cói, chiếu nhựa làm sẵn như bây giờ nên hầu như nhà nào cũng dùng chiếu pran”-ông Rơ Mah Gel chia sẻ. Nhưng ngay cả khi những loại chiếu có sẵn tiện dụng, người làng Sung Lớn vẫn thích dùng chiếu pran bởi “chiếu này nằm rất êm, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm”.

Mặc dù đan chiếu pran khá dễ dàng nhưng các công đoạn để làm nên nó lại đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ và tốn thời gian. Chỉ khi bắt đầu mùa khô (vào khoảng đầu tháng 10) những người phụ nữ trong làng mới rủ nhau đi chặt lá dứa dại. Công việc này kéo dài đến khi tiếng ve bắt đầu râm ran… Theo chân bà Rơ Mah HByun-một nghệ nhân lớn tuổi nhất làng Sung Lớn vẫn gắn với nghề đan chiếu, chúng tôi xuống giọt nước của làng để tìm lấy nguyên liệu. Đó là một vùng  cây pran xanh tốt, các tàu lá vươn dài tựa những thanh kiếm đâm thẳng lên bầu trời. Mặc dù là cây mọc dại, nhưng để những mùa sau vẫn còn, mỗi phụ nữ trong làng lại  tự trồng và giữ gìn cây pran cho riêng mình. Lá dứa dại để làm chiếu phải là những lá có thân dày, dài 2-3 mét.

Sau khi thu hoạch, nghệ nhân rọc sạch gai hai bên mép lá, sau đó chỉ bằng một con dao nhọn, họ khéo léo tước thành những sợi dài có bề ngang khoảng 1 cm. Sợi được tách ra cũng chia thành hai loại, sợi cứng (thường là phần vỏ của lá) và sợi mềm (phần thịt bên trong lá). Tùy theo mục đích sử dụng mà nghệ nhân lại dùng một loại sợi thích hợp để đan chiếu. Sợi sau khi tước nhỏ thì đem phơi dưới nắng cho đến khi khô và đạt được độ mềm, dẻo mong muốn rồi đem bó lại, cất nơi khô thoáng và chờ mùa nông nhàn đan thành từng tấm chiếu.

Trong nhiều nghệ nhân đan chiếu pran của làng Sung Lớn thì bà HByun có tuổi đời cũng như tuổi nghề cao nhất. Bằng vốn tiếng phổ thông ít ỏi của mình, bà cố gắng giải thích cho chúng tôi hiểu thêm về chiếc chiếu truyền thống của đồng bào mình. Bà chia sẻ: “Hồi trước, phụ nữ trong làng ai cũng biết đan chiếu này. Nếu làm chiếu to (1,6 mét x 2 mét) thì mất khoảng 3 ngày, chiếu nhỏ (1,2 mét x 1,8 mét) thì mất khoảng một ngày rưỡi.

Nguy cơ mai một

Lễ cưới của người Jrai.
Lễ cưới của người Jrai.
Ông Rơ Mal Gel-Trưởng thôn làng Sung Lớn, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ: “Trước đây, khi chưa có nhiều loại chiếu tiện lợi như bây giờ, chiếu pran rất được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng nghề đan chiếu này đang có nguy cơ mai một dần khi những nghệ nhân già trong làng ngày càng yếu đi, lớp nghệ nhân kế cận không có…”.

Đan chiếu pran là công việc chỉ dành riêng cho phụ nữ, giống như đan gùi là việc dành riêng cho đàn ông. Từ ngày xưa, với người Jrai, chiếu pran giống như một tài sản có giá trị trong nhà. Ngày nay, dù việc dùng chiếu pran không còn phổ biến như trước đây nhưng nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Cũng nhờ có tiếng tăm, trung bình mỗi năm, bà HByun bán được 10 chiếc chiếu, phần lớn là bán cho những người từ các làng lân cận biết tiếng mà tìm đến. Chiếu khổ to được bán với giá khoảng 500.000 đồng, chiếu nhỏ hơn thì 200.000-300.000 đồng. Tuy vậy, không phải bao giờ người mua cũng trả bằng tiền. Bà HByun chỉ vào hai chiếc gùi nơi góc nhà và giải thích: “Hai chiếc gùi này được người ta đem đến đổi lấy chiếu đấy, mình đồng ý lấy gùi dùng vì chồng mình già rồi không đan gùi được nữa”…

Chiếu pran từ ngàn xưa đã gắn bó với mỗi người Jrai, nâng niu từng giấc ngủ từ khi mới sinh ra cho tới lúc trưởng thành. Đến khi rời khỏi cõi đời, chiếc chiếu cũng là vật đồng hành cùng người trở về với đất mẹ… Đó có lẽ cũng là lý do để khiến chiếc chiếu pran vẫn còn tồn tại đến bây giờ. “Khi gia đình có người chết, người Jrai chỉ dùng duy nhất loại chiếu pran để bó và chôn theo, tuyệt đối không dùng các loại chiếu nào khác…”-ông Gel khẳng định.

Có giá trị và ý nghĩa như vậy nhưng chỉ những lớp phụ nữ lớn tuổi như bà HByun, bà Chek… mới đan chiếu. Lớp con gái trẻ sau này chẳng mấy thiết tha với nghề truyền thống của đồng bào mình mặc dù ngày ngày họ vẫn nằm ngủ nghỉ trên tấm chiếu pran thân thuộc. Bà Rơ Lan Nhel năm nay đã hơn 60 tuổi, bàn tay đã yếu, nhưng vẫn chưa kịp truyền lại nghề này cho cô gái nào trong làng cả. Bà buồn lắm. Bà nói: “Mình già rồi, tay đau không làm chiếu được nữa. Trong làng cũng chỉ còn ít người già biết đan pran, không biết sau này có còn ai làm được nữa không…”.

Anh Rah Lan Nhin-cán bộ Văn hóa xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) tâm sự: “Chiếu pran là một sản phẩm thủ công truyền thống khá độc đáo. Vì thế, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, nghề đan chiếu pran truyền thống này sẽ được các cấp, các ngành quan tâm, mở lớp tập huấn, dạy nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm để đồng bào có thêm thu nhập, từ đó phát huy những giá trị của nó”.

 Phương vy

Có thể bạn quan tâm