Chiếm dụng tiền tỷ vẫn chưa định tội?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 2 ngày (1 và 2-11), Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử đối với Lê Thị Tường Vân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua phiên tòa cho thấy những kiểu giao dịch “cổ điển” đầy bất trắc khi người vay tiền lợi dụng sự hám lợi của nạn nhân cứ diễn ra còn đối tượng đi vay vẫn nhởn nhơ, thách thức trước pháp luật.

Hậu quả của tâm lý hám lợi

Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, do quen biết từ trước nên Lê Thị Tường Vân (33 tuổi, thường trú tại 104/1 Tăng Bạt Hổ- TP. Pleiku) nhiều lần vay tiền của chị Nguyễn Thị Phượng Tường (74B Nguyễn Trãi- TP. Pleiku), Huỳnh Thị Thúy Vân (02 Trần Hưng Đạo- TP. Pleiku) và Hồ Thị Xuân Dung (36 Lý Tự Trọng- TP. Pleiku).

Bị cáo Vân trước vành móng ngựa. Ảnh: Lê Văn Nhung
Bị cáo Vân trước vành móng ngựa. Ảnh: Lê Văn Nhung
Đến tháng 3-2009, Công ty TNHH một thành viên Tuấn Tài được thành lập và do Mai Anh Tuấn (chồng Lê Thị Tường Vân) làm giám đốc và Lê Thị Tường Vân làm thủ quỹ. Lê Thị Tường Vân tiếp tục vay của những người trên (nhưng chỉ mình Vân ký giấy mượn tiền) để kinh doanh mua bán xe ô tô. Khi vay tiền, hai bên thỏa thuận viết giấy vay, tính lãi suất theo ngày. Thời gian vay tiền từ 3 đến 7 ngày. Số tiền mỗi lần vay giao động từ 100 triệu đồng đến 3,8 tỷ đồng và thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.


Sau nhiều lần vay và thanh toán tiền sòng phẳng theo đúng cam kết, lợi dụng sự tin tưởng của những người cho vay, từ ngày 2-11-2009 đến ngày 4-11-2009, Lê Thị Tường Vân nại ra việc “cần huy động vốn để nhập lô hàng xe ô tô về cho Công ty TNHH một thành viên Tuấn Tài bán Tết” đã vay của chị Nguyễn Thị Phượng Tường, Huỳnh Thị Thúy Vân và Hồ Thị Xuân Dung tổng cộng là 15,250 tỷ đồng và cam kết đến ngày 6-11-2009 sẽ trả tiền. Nhưng đến ngày đáo hạn và sau nhiều lần đòi nợ Lê Thị Tường Vân chỉ trả được 970 triệu đồng (qua cấn trừ tài sản và tiền hụi), còn nợ 14,280 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay của chị Nguyễn Thị Phượng Tường 4,430 tỷ đồng; chị Hồ Thị Xuân Dung 5,55 tỷ đồng và chị Huỳnh Thị Thúy Vân 4,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, để có số tiền lớn cho Lê Thị Tường Vân vay, chị Nguyễn Thị Phượng Tường, Huỳnh Thị Thúy Vân và Hồ Thị Xuân Dung đã phải huy động vốn của rất nhiều người mà ít nhất là 200 triệu đồng và nhiều nhất là 2,5 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh, để chiếm đoạt số tiền của người cho vay, ngay trong ngày 6-11-2009, Lê Thị Tường Vân cùng chồng là Mai Anh Tuấn đến Phòng Công chứng số 1 (TP. Pleiku) hoàn thành thủ tục chuyển căn nhà số 104/1 Tăng Bạt Hổ- TP. Pleiku và 103 Phan Đình Phùng-TP. Pleiku cho ông Lê Viết Thôi và bà Nguyễn Thị Kim Sơn (là bố và mẹ của Vân); bán cho Nguyễn Khuynh Quốc (em rể Vân) chiếc xe SH biển số 81T4 1117 giá 20 triệu đồng và chiếc ô tô biển số 81M 1117 giá 160 triệu đồng (sau đó Quốc bán chiếc ô tô 81M 1117 giá 460 triệu đồng) nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ.

Từ những tình tiết trên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã truy tố Lê Thị Tường Vân ra trước TAND tỉnh về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thách thức cơ quan tố tụng

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, Lê Thị Tường Vân một mực cho rằng số tiền này là chốt nợ (cộng dồn) sau nhiều lần vay đối với các bị hại. Toàn bộ số tiền vay lần lượt được chuyển cho bà Nguyễn Thị Thùy Dương (102/6 Tăng Bạt Hổ- TP. Pleiku) vay lại. Tuy nhiên, bị cáo Vân không chứng minh được số tiền này đã cho bà Nguyễn Thị Thùy Dương vay. Ngoài ra, số liệu theo dõi trong sổ nợ của chính bị cáo cũng không khớp đây là chốt nợ như bị cáo trình bày, kể cả Giấy mượn tiền của các bị hại không có dòng nào ghi là chốt nợ.
Hơn nữa, cả bị cáo Vân và chồng bị cáo Vân là Mai Anh Tuấn đều cho rằng tài sản chiếc xe ô tô là có phần hùn vốn của người em trai Nguyễn Khuynh Quốc. Vợ chồng bị cáo có vay nợ của Quốc nên Quốc siết nợ bằng hình thức sang nhượng tài sản xe máy SH và ô tô 81M 1117. Lời trình bày đó bị Chủ tọa đưa ra câu hỏi bỏ lửng: “Vậy, có hợp lý không trong khi vỡ nợ lẽ ra em mình phải cùng chung tay giúp chị trả nợ cho người ta trước thì lại đi siết nợ của chị?”.

Trước khi hô “vỡ nợ”, ngay trong ngày 6-11-2009, vợ chồng bị cáo Vân lập tức thực hiện việc chuyển dịch 2 căn nhà do mình sở hữu sang cho cha mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Kim Sơn và ông Lê Viết Thôi dưới hình thức tặng cho. Trả lời trước Hội đồng xét xử, bà Sơn nói đến đạo đức, trách nhiệm của những người trong gia đình và lập luận: “Vì tụi nó làm ăn bể để xảy ra vỡ nợ, tôi phải lấy lại tài sản của tôi trước đây cho nó!?”. Với lý sự… “cùn” này, đại diện Viện kiểm sát nhắc nhở: “Dù là tài sản trước đây của bà nhưng khi tặng cho con đã làm sở hữu thì thuộc tài sản của vợ chồng bị cáo Vân. Không phải thấy vỡ nợ lại lập luận đòi lại. Đây là hành vi tẩu tán tài sản”. Còn chị Nguyễn Thị Phượng Tường nêu: “bà Sơn nói đến đạo lý trong nhà, vậy sao anh em lại siết nợ; khi cho bà Nguyễn Thị Thùy Dương vay lại sao không có giấy nợ?”.

Điều đáng nói là trước khi các bị hại biết sự việc vỡ nợ, bà Nguyễn Thị Kim Sơn giúp cho Lê Thị Tường Vân gặp riêng từng bị hại để thuyết phục mỗi người nhận cấn trừ một lô đất và yêu cầu không viết đơn tố cáo đến cơ quan công an. Cả 3 bị hại đều trình bày việc cấn trừ nợ bằng đất giá quá “bèo” có lô chỉ 90 triệu đồng so với tiền tỷ mà cho mượn: “Chúng tôi không thể chấp nhận. Họ lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tiền của chúng tôi”- chị Hồ Thị Xuân Dung bức xúc nói.

Ngược lại, luật sư bảo về quyền lợi cho bị cáo cho rằng Viện Kiểm sát truy tố chưa chứng minh tiền chiếm đoạt cất dấu ở đâu, trong thời gian ngắn (từ 8 giờ đến 9 giờ ngày 6-11-2009) nhận số tiền lớn tại 3 địa điểm, giấy vay tiền là hợp đồng giao dịch vay mượn nhưng lãi suất quá cao (7%/tháng) nên dẫn đến vỡ nợ, Mai Anh Tuấn là người có liên quan nhưng không truy tố mà truy tố Lê Thị Tường Vân là hình sự hóa dân sự. Từ những tình tiết này, Mai Anh Tuấn đã thách thức với cơ quan tố tụng và bị cáo Vân nhiều lần cãi tay đôi với đại diện viện kiểm sát làm phiên tòa nhiều lúc thiếu tính nghiêm minh.

Cuối cùng Hội đồng Xét xử buộc phải quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ việc công chứng chuyển dịch tài sản có nhằm trốn tránh trả nợ hay không, thực nghiệm việc giao nhận tiền và làm rõ trách nhiệm những người có liên quan…

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.