Chị Xu "hai giỏi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiệt tình trong công tác Hội, chu toàn với gia đình, gương mẫu làm kinh tế giỏi… Nhiều người đã nhận xét như thế khi nhắc đến chị Đinh Thị Xu-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Nghe Lớn (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro).

Ấy vậy mà khi trò chuyện cùng chúng tôi, chị Xu chỉ e dè mỉm cười bảo: “Mấy việc mình làm đều nhỏ thôi nên mình chẳng biết bắt đầu từ đâu cả”. Quả nhiên, những người phụ nữ Bahnar chân chất bao lâu nay tôi được gặp, đều giống nhau ở một điểm là thích kể về cái hay của người khác hơn là tự nói về bản thân mình.

Giỏi việc Hội

Sinh ra và lớn lên từ làng, hơn ai hết, chị Xu là người hiểu rõ nhất sự dè dặt của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây mỗi khi đề nghị họ tham gia vào các đoàn thể cũng như hoạt động phong trào ở địa phương. Vì thế, lúc được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Nghe Lớn vào năm 2014, điều khiến chị Xu trăn trở nhất là làm thế nào có thể thu hút đông đảo chị em tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội.

Các hội viên Chi hội phụ nữ làng Nghe Lớn cùng nhau thu hoạch đậu xanh từ rẫy tập thể. Ảnh: Hồng Thi
Các hội viên Chi hội phụ nữ làng Nghe Lớn cùng nhau thu hoạch đậu xanh từ rẫy tập thể. Ảnh: Hồng Thi

Chi hội Phụ nữ làng Nghe Lớn hiện có 107 hội viên trên tổng số 417 phụ nữ toàn làng. Trong đó, trừ một số phụ nữ lớn tuổi và thuộc độ tuổi thanh niên, còn khoảng 20 chị em đủ điều kiện vẫn chưa chịu gia nhập Hội. “Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế gia đình khó khăn, họ không thích vào bởi nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian cho Hội thay vì lên nương rẫy, còn phải đóng tiền quỹ. Do vậy, ngoài động viên, giải thích cho mọi người hiểu lợi ích khi vào Hội, mình luôn chủ động tìm cách để hỗ trợ chị em hội viên nói riêng và phụ nữ trong làng nói chung vượt khó thoát nghèo, từ đó tạo dựng niềm tin nơi họ vào tổ chức Hội”-chị Xu chia sẻ.

Đơn cử như trường hợp của hội viên Đinh Thị Yech. Nhà vốn đã nghèo, lại sinh tới 11 người con nên cuộc sống gia đình vô cùng khốn khó. Ngay từ nhiều năm trước, chị Xu (khi ấy còn là hội viên) đã cùng với Chi hội trưởng đương nhiệm nhiều lần tới nhà động viên chị Yech gia nhập Hội nhưng bất thành. Đến khi nhận trách nhiệm “đầu tàu” tổ chức phụ nữ của làng, chị Xu vẫn tiếp tục kiên trì “đeo bám mục tiêu”, không ngừng giải thích rằng tham gia Hội sẽ có nhiều lợi ích, hơn nữa, quỹ hội cũng sẽ miễn đóng cho những hội viên nghèo. Cuối cùng, chị Yech hiểu ra và vui vẻ tham gia Hội; đồng thời cam kết thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động, mô hình như: “Hũ gạo tiết kiệm”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, rẫy tập thể, tín chấp cho hội viên vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội… do Huyện Hội triển khai, chị  Xu còn tự vận động trong làng số tiền 2 triệu đồng để mua 2 con dê hỗ trợ cho 2 hội viên phụ nữ nghèo, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Riêng mô hình làm rẫy tập thể để gây quỹ, Chi hội vừa thu hoạch được 2 tạ đậu xanh/3 sào, góp thêm vào nguồn quỹ được hơn 3,3 triệu đồng, còn 6 sào mì cao sản sẽ tiếp tục thu hoạch vào cuối năm.

“Tất cả chị em hội viên đều nhiệt tình hưởng ứng, ai không tham gia sẽ phải tự bỏ ra số tiền ngày công tương đương để nộp quỹ. Nguồn quỹ này sẽ dùng phần lớn để giúp đỡ chị em khó khăn, cần số vốn ban đầu để trồng trọt, chăn nuôi”-chị Xu cho biết thêm.

Ngoài ra, chị Xu còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các chuyến thăm quan du lịch… nhằm tăng cường sự gắn kết cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho chị em trong Chi hội.

Đảm việc nhà

Để được các hội viên ủng hộ và tin tưởng như bây giờ, chị Xu bảo rằng, bản thân người Chi hội trưởng như chị phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động phong trào, kể cả phát triển kinh tế gia đình. Hiện vợ chồng chị có tổng cộng 7 ha đất, trong đó có 1,5 ha trồng lúa rẫy, 2 ha mì, 2 ha bắp, 1,5 ha đậu xanh, còn lại là vườn tược. Ngoài ra, chị còn có 13 con bò, 5 con dê sinh sản, 1 chiếc máy cày, 1 xe độ chế dùng để phục vụ sản xuất cho gia đình và cả những người có nhu cầu trong làng. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng chị thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Với gia đình, chị Xu là một người vợ, người mẹ đảm đang và mẫu mực. Ảnh: Hồng Thi
Với gia đình, chị Xu là một người vợ, người mẹ đảm đang và mẫu mực. Ảnh: Hồng Thi

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Xu luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách thức sản xuất cho phụ nữ trong làng. Đối với các hộ nghèo, vợ chồng chị còn cho họ nợ tiền cày đất, tiền xe chở nông sản đến cuối vụ, bao giờ thu hoạch xong thì trả. Khi cần công làm, chị cũng ưu tiên những chị em khó khăn hơn nhằm giúp họ có thêm thu nhập từ sức lao động chính đáng của mình.

“Xu là người cực kỳ gương mẫu, sôi nổi trong công tác Hội và có tài vận động, thu hút hội viên. Bất kỳ hoạt động hay phong trào nào giao xuống, Chi hội làng Nghe Lớn của Xu luôn tổ chức thực hiện nhanh và có hiệu quả. Song song với đó, ở gia đình, Xu lúc nào cũng là một người vợ đảm đang, một người mẹ mẫu mực. Năm 2016, Xu còn được công nhận là tấm gương Chi hội trưởng làm kinh tế giỏi điển hình của thị trấn”-Chị Đinh Thị Ben-Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kông Chro, cho hay.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.