Chỉ trồng ớt Hà Lan mà một nông dân Lâm Đồng thu 2,5 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được anh Lưu Vũ Trường Duy - Khuyến nông xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đưa tôi đến một nông hộ tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh cây ớt chuông Hà Lan ở xã Lạc Lâm. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Dinh, một trong những hộ nông dân tiêu biểu của xã Lạc Lâm...
Anh Nguyễn Văn Dinh, nông dân tiêu biểu của xã Lạc Lâm được Hội Nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) công nhận là hộ nông dân đã vinh dự đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

Anh Nguyễn Văn Dinh kiểm tra vườn trồng ớt chuông áp dụng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình tại xã Lạc Lâm được Hội Nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Anh Nguyễn Văn Dinh kiểm tra vườn trồng ớt chuông áp dụng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình tại xã Lạc Lâm được Hội Nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Nhìn vườn ớt chuông đã thu hoạch gần 10 lứa nhưng cây vẫn còn trĩu quả, điều đó đã minh chứng anh Nguyễn Văn Dinh là người đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh. 
Trao đổi với chúng tôi, anh vui vẻ cho biết: “Hiện nay, gia đình anh có 1,5 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 1 ha anh đã làm nhà kính được lắp đặt hệ thống nước tưới phun theo công nghệ Israel, còn lại là diện tích nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với số vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 2 tỷ đồng...".
Trước đây, gia đình anh Dinh chủ yếu gieo trồng các loại rau thương phẩm như bắp sú, cà chua, cải thảo, xà lách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, có năm được mùa thì mất giá, năm được giá lại mất mùa, thêm vào đó giá cả cây rau thương phẩm ngày càng bấp bênh, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp mỗi năm chẳng được bao nhiêu.
Do đó, từ năm 2010 đến nay, gia đình anh Nguyễn Văn Dinh đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích 1,5 ha đất trồng rau thương phẩm sang chuyên canh cây ớt chuông giống Hà Lan được sản xuất theo quy trình công nghệ cao để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. 
Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh đã đạt sản lượng 150 tấn quả ớt chuông với tổng thu nhập trên 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, công thu hoạch, anh Dinh còn lãi ròng 2,5 tỷ đồng, một nguồn thu từ việc chuyên canh cây ớt chuông mà hàng ngàn hộ nông dân ở huyện Đơn Dương đều mơ ước. 
Sau khi đã được anh Dinh đưa đi tham quan vườn ớt đang vào mùa thu hoạch, anh cho biết thêm: “Trước đây làm nông nghiệp do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chỉ làm theo phương pháp thủ công, do vậy năng suất ớt đạt thấp. 
Nhưng từ khi biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên vườn ớt chuông của gia đình anh vụ nào cũng đạt năng suất bình quân 2,5 kg/cây. Nhiều năm qua gia đình anh đã ký hợp đồng dài hạn để cung cấp chuyên mặt hàng ớt chuông cho Công ty rau quả tỉnh Bạc Liêu với giá thỏa thuận 21 ngàn đồng/kg”.

Công nhân lao động đang làm việc trong vườn trồng ớt chuông Hà Lan của gia đình anh Dinh.
Công nhân lao động đang làm việc trong vườn trồng ớt chuông Hà Lan của gia đình anh Dinh.
Nhiều năm qua, nhờ giá cả và đầu ra ổn định, thêm vào đó chất lượng ớt chuông của gia đình anh được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm ớt chuông của anh luôn được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ mạnh. 
Điều đáng nói là gia đình anh Nguyễn Văn Dinh không chỉ làm giàu cho chính mình mà anh còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở địa phương. Hiện nay, bình quân mỗi ngày anh có 5 công lao động làm việc trong vườn ớt.
Mỗi tháng anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân của lao động nữ 250 ngàn đồng/ngày, lao động nam 300 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng gia đình anh trả tiền thuê công lao động lên đến trên 35 triệu đồng.
Đến xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) khi nói đến anh Nguyễn Văn Dinh thì ai ai cũng cảm phục trước nghị lực và ý chí vươn lên bằng sức lao động của vợ chồng anh. 
Hôm nay gia đình anh Dinh không chỉ có của ăn của để mà anh còn xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và kể cả phương tiện sản xuất nông nghiệp và hạnh phúc hơn là anh chị đã nuôi dạy con ăn học đàng hoàng. Anh Nguyễn Văn Dinh xứng đáng là nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương nhiều năm liền.
Theo Ngọc Thanh (CTV Đơn Dương/TTKN Lâm Đồng/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.