(GLO)- Bức xúc trước việc bị cán bộ ngân hàng lừa dối trong việc tất toán hợp đồng tín dụng trước thời hạn để làm hồ sơ vay mới, ông Trần Văn Thanh và bà Đỗ Thị Thi (trú tại tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku), nguyên là khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai (HDBank Gia Lai) đã gửi đơn khiếu nại đến Báo Gia Lai.
Trụ sở HDBank Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Trong đơn khiếu nại, ông Trần Văn Thanh và bà Đỗ Thị Thi (sau đây gọi tắt là gia đình ông Thanh) cho rằng có sự bất minh trong việc giải quyết hợp đồng tín dụng giữa gia đình ông và HDBank Gia Lai. Cụ thể: Vào ngày 16-10-2015, gia đình ông có ký hợp đồng tín dụng hạn mức với Chi nhánh HDBank Gia Lai. Theo hợp đồng vay vốn có thế chấp tài sản là 2 thửa đất (tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) với tổng giá trị tài sản bảo đảm 583 triệu đồng, gia đình ông được cấp hạn mức tín dụng 350 triệu đồng, mục đích để chăn nuôi và mua bán nông sản. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, không may rủi ro xảy ra nên ông Thanh đã làm đơn trình bày với ngân hàng về khó khăn và vẫn thực hiện đầy đủ việc trả lãi. Sau đó, cán bộ tín dụng có đến nhà xem xét và nói là sẽ đồng ý làm thủ tục cho ông vay thêm 60 triệu đồng nữa để gia đình có vốn xoay xở làm ăn, nhưng với điều kiện phải trả khoản vay 350 triệu đồng vào ngân hàng, đồng thời chịu phạt vì trả vốn trước hạn.
“Vì là cán bộ tín dụng nói nên tôi không tin, nhưng sau đó đích thân ông Nguyễn Quang Huy-Giám đốc Chi nhánh HDBank Gia Lai cho mời vợ chồng tôi lên làm việc. Vào ngày 4-7-2016, cùng làm việc với tôi, ngoài Giám đốc còn có ông Nguyễn Đức Trọng (Phòng Tín dụng HDBank Gia Lai). Tại đây, ông Huy nói rằng mình là Giám đốc không lẽ đi lừa dối nên bảo vợ chồng tôi cứ trả vốn trước thời hạn và chịu phạt 10 triệu đồng rồi ngân hàng sẽ cho vay lại và tăng thêm hạn mức 60 triệu đồng nữa. Trước đề nghị này, tôi không đồng ý vì gia đình tôi không có nhu cầu vay thêm vốn. Với lại, làm nông nghiệp muốn có tiền trả nợ thì phải đến thời vụ mới có trong khi khoản vay hiện tại đang còn trong hạn, chỉ phát sinh có mấy tháng. Sau đó, ông Huy tiếp tục thuyết phục, hứa là sẽ cho vay lại trong ngày mai để giúp vợ chồng tôi có thêm vốn vượt qua thời điểm khó khăn. Vì quá tin lời ông giám đốc nói nên tôi mới đi vay nóng bên ngoài để trả ngân hàng theo giấy nộp tiền ngày 5-7-2016 với tổng số tiền là 369.184.000 đồng (bao gồm tiền gốc 350.000.000 đồng, tiền phạt trả vốn trước hạn 10.000.000 đồng và tiền lãi)”-ông Thanh trình bày lại sự việc.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, khi đã trả đủ số tiền trên thì vợ chồng ông có ký lại hợp đồng tín dụng mới với mức vay 410 triệu đồng như hai bên đã thống nhất trước đó. Phía HDBank Gia Lai, người ký hợp đồng tín dụng là ông Dương Công Minh-Phó Giám đốc. Tuy nhiên, đến giờ hẹn giải ngân, ông Thanh dẫn người đã cho ông vay nóng trước đó đến ngân hàng (mục đích để nhận tiền xong là trả luôn) thì cán bộ tín dụng không có mặt. Sốt ruột, ông Thanh gọi cho ông Giám đốc HDBank Gia Lai nhưng điện thoại ông này liên tục ngoài vùng phủ sóng.
Liên quan đến nội dung khiếu nại của ông Thanh, làm việc với P.V Báo Gia Lai, ông Nguyễn Quang Huy-Giám đốc Chi nhánh HDBank Gia Lai cho biết: Việc trả nợ trước hạn là do khách hàng tự nguyện và đề nghị được vay thêm chứ phía ngân hàng không can thiệp. Lý giải khoản phí 10 triệu đồng khách hàng phải chịu, ông Huy cho biết do khách hàng vay gói tín dụng ưu đãi lãi suất trong 6 tháng đầu nên khi trả gốc trước hạn, buộc phải hoàn lại khoản lãi chênh lệch đó cùng phí trả trước hạn?! Đồng thời, ông Huy cũng cho biết, kiểm tra thông tin khách hàng qua CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam) thì ông Thanh đang phát sinh nợ xấu (nợ nhóm III) tại một tổ chức tài chính khác. Do vậy, xét về điều kiện, khách hàng không đảm bảo tiêu chuẩn để ngân hàng cho vay.
Còn có hay không việc hai bên đã ký hợp đồng tín dụng mới như ông Thanh đã nêu ở trên, ông Huy cho biết mọi hợp đồng tín dụng với khách hàng đều do chính Giám đốc ký nên chưa có bất kỳ hợp đồng mới nào giữa HDBank Gia Lai và ông Thanh. Trong khi đó, ông Thanh lại luôn khẳng định là mình đã ký hợp đồng tín dụng mới với ông Phó Giám đốc. “Dù hợp đồng đó ngân hàng chưa đưa cho tôi nhưng có thể hình ảnh ký kết đã được camera của ngân hàng ghi lại”-ông Thanh quả quyết.
Trong thời gian chờ đợi câu trả lời chính thức về việc giải ngân hợp đồng mới, ông Thanh đã nhiều lần lui tới ngân hàng, song phía ngân hàng cũng không có câu trả lời chính thức, khiến gia đình ông rơi vào cảnh bế tắc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những khách hàng đã phát sinh nợ xấu, dù có trả hết nợ nhưng nếu muốn tiếp cận tín dụng ngân hàng thì phải có thời gian thử thách, tùy cách quản trị rủi ro của từng ngân hàng, có thể 6-12 tháng. “Đứng trước tình cảnh này, nếu cứ tiếp tục kéo dài, gia đình tôi không còn biết xoay xở ra sao nữa khi mà khoản tiền lãi phải trả cho vay nóng bên ngoài lên đến hai mươi mấy triệu đồng một tháng”-ông Thanh chua xót nói.
Tuy nhiên, trong sự việc này có một điều khó hiểu, đó là trong lúc gia đình ông Thanh đang gặp khó khăn về tài chính, tiền trả lãi ngân hàng đã chật vật, thì liệu ông có tự tìm đến nguồn tín dụng đen vay với lãi suất cắt cổ để trả vào ngân hàng khi khoản vay chưa đến hạn, và chấp nhận chịu thêm khoản phí phạt rất cao để vay thêm mấy chục triệu đồng? Dư luận đặt câu hỏi: có phải HDBank Gia Lai sợ rủi ro nên tìm cách rút vốn để tránh rắc rối liên quan đến việc phát mãi tài sản sau này? Và liệu rằng đây có là kịch bản đã được tính trước?
Vũ Thảo