Chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn: Những cách làm hay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy tinh thần sáng tạo trên cơ sở gắn liền với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhiều phong trào, hoạt động do chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn (xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro) triển khai đã đạt được kết quả tích cực, được các Hội cấp trên đánh giá cao.

Góp công làm rẫy để gây quỹ

Nhang Lớn là làng thuộc xã vùng III, cách trung tâm huyện Kông Chro gần 20 km. Chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn có 125 hội viên trong tổng số 143 chị em tuổi từ 18 trở lên, 100% hội viên là người Bahnar. Với đặc điểm hầu hết gia đình chị em hội viên đều làm nông nghiệp, đời sống kinh tế còn khó khăn nên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã gợi ý cho chi hội xây dựng mô hình gây quỹ dựa trên việc khai thác quỹ đất nhàn rỗi của chị em hội viên để sản xuất.

 

Một buổi sinh hoạt của chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn (xã Đak Kơ Ning). Ảnh: H.L
Một buổi sinh hoạt của chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn (xã Đak Kơ Ning). Ảnh: H.L

“Đời sống kinh tế còn khó khăn nên công tác vận động đóng góp quỹ hội rất khó, trong khi một số gia đình chị em hội viên còn đến hơn 5 ha đất trống. Từ đó, chúng tôi thống nhất huy động chị em góp công sức trồng mì, bắp trên phần đất này. Đến mùa thu hoạch, số tiền lãi từ việc bán nông sản sẽ được dùng làm quỹ chi hội”-chị Đinh Thị Biên, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn chia sẻ.

Từ năm 2006 đến nay, nhờ mô hình trên, chị em hội viên trong làng đã không còn phải bỏ tiền đóng quỹ mà chỉ cần góp công sức cùng nhau chăm sóc cho vườn rẫy. Cũng từ nguồn quỹ này, qua nhiều năm tích góp, các chị còn mua bò về nuôi, hiện tại, đàn bò đã phát triển lên 9 con. Chỉ tính riêng năm 2017, chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn đã xây dựng được nguồn quỹ lên tới 70 triệu đồng. Số tiền này được dành cho 9 chị em hội viên nghèo vay để đầu tư phát triển sản xuất. “Mì, bắp là những cây trồng phổ biến tại địa phương, chị em nào cũng có thể chăm sóc, thu hoạch. Mô hình không chỉ tạo ra nguồn quỹ dồi dào mà trong quá trình lao động, sản xuất cùng nhau, tình cảm giữa các chị em hội viên trong chi hội càng thêm gắn kết. Từ hiệu quả của mô hình gây quỹ làng Nhang Lớn, Hội LHPN xã Đak Kơ Ning đã triển khai nhân rộng ra các chi hội trực thuộc trên địa bàn”-bà Đinh Thị Phơr, Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning cho hay.

Không chỉ gây quỹ hiệu quả, chị em trong chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn còn thành lập được 11 tổ dệt thổ cẩm. Các chị đã tự dệt cho mình 100 bộ đồ thổ cẩm truyền thống của người Bahnar để mặc trong các dịp lễ hội. Chị Đinh Thị Ói (30 tuổi), thuộc tổ gây quỹ 1, cho biết: “Nhờ các tổ dệt thổ cẩm, mình và các chị em trong làng có cơ hội được rèn giũa để không quên nghề truyền thống, đồng thời có thể bán sản phẩm, đem lại thu nhập trong những ngày nhàn rỗi”.

Điểm sáng triển khai sinh hoạt lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ

Năm 2016, Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện sinh hoạt chi hội phụ nữ lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ và chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn được chọn làm điểm. Trong Hội nghị tổng kết giai đoạn 2016-2018 vừa được tổ chức mới đây, chi hội Phụ nữ làng Nhang Lớn được Hội LHPN tỉnh đánh giá cao nhờ hoạt động hiệu quả. “Để làm tốt chương trình này, nhờ sự hướng dẫn của tổ chức Hội cấp trên, chi hội đã phối hợp với cán bộ y tế, già làng, Bí thư chi bộ… vận động cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi tham gia. Ban đầu chỉ có 30 mẹ với 35 cháu nhưng đến nay đã có 120 phụ huynh tham gia. Hàng tháng, cứ đến ngày 20 là nhóm tiến hành sinh hoạt. Mỗi tháng tôi đều xây dựng từng chủ đề cụ thể để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả. Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt luôn có cán bộ y tế hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy trẻ như: cách nấu cháo dinh dưỡng, rửa tay bằng xà phòng, hướng dẫn trẻ đánh răng, làm đồ chơi… Các mẹ tham gia thực hiện theo hướng dẫn ngay tại buổi sinh hoạt. Chi hội còn thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các gia đình chăm sóc con chưa tốt để nắm bắt khó khăn gặp phải, từ đó có kế hoạch tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăm sóc”-chị Biên chia sẻ.

Nhờ nội dung sinh hoạt gần gũi, thiết thực nên chương trình sinh hoạt chi hội phụ nữ lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ đã nhận được sự đồng thuận tham gia của nhiều gia đình. “Dù mới triển khai nhưng bước đầu có thể nhận thấy, nhiều bà mẹ, ông bố đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức, chăm sóc trẻ và gia đình. Ngoài ra, về hoạt động của nhóm còn giúp chị em có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc con cái lẫn nhau. Với những làng dân tộc thiểu  số, chương trình này đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giúp các gia đình chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt và khoa học hơn”-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Kơ Ning đánh giá.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.