Những cán bộ quản lý rừng để lâm tặc chở gỗ đi sau khi lâm tặc vào "trình báo", không ai chặn bắt gỗ lậu
Sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên Báo Người Lao Động phát hiện điểm phá rừng quy mô lớn tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Điều đáng nói, việc phá rừng này có dấu hiệu được tiếp tay của cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba.
Chặt cây, xẻ gỗ ầm ào cả góc rừng
Những ngày đầu tháng 8, trong vai những người đi tìm lan rừng, chúng tôi có mặt tại khu rừng thuộc xã Ia Rmok, huyện Krông Pa và chứng kiến cảnh lâm tặc ngang nhiên cưa cây, xẻ gỗ.
Lâm tặc hạ cây, xẻ gỗ rồi đưa lên xe máy chở ra khỏi rừng. Ảnh: Hoàng Thanh
Cứ sáng sớm, hàng chục người đàn ông mang theo cưa máy đi trên những chiếc xe độ chế xuất phát từ buôn Kniê, xã Ia Rmok, rầm rộ chạy về cánh rừng già của xã. Xe chúng tôi không được độ chế, bánh cuốn xích sắt nên phải rất vất vả mới có thể bám gót nhóm lâm tặc này vào tới rừng sâu. Trên đường đi, chúng tôi còn bắt gặp một nhóm lâm tặc khác cũng trang bị đủ thứ đồ nghề tiến vào rừng.
Khoảng 10 giờ sáng, tiếng cưa máy đinh tai nhức óc gầm rú vang cả góc rừng. Nhóm lâm tặc hơn chục người đang thay nhau tàn sát những cây gỗ lớn. Trong đó, 4 người đưa cưa máy hạ cây, 2 người xẻ các thân gỗ thành hộp, số còn lại dùng xe máy chở các hộp gỗ ra điểm tập kết ở bìa rừng. Ở đó, hàng chục cây gỗ đường kính trên dưới 50 cm đang bị cắt hạ nằm la liệt chờ vận chuyển ra khỏi rừng. "Mấy cây này mới cắt ngày hôm qua nhưng mưa nên hôm nay mới xẻ thành hộp được. Gỗ này chỉ cần chở về làng là có người mua ngay" - một lâm tặc tiết lộ.
Đi dọc theo con đường mòn, chúng tôi chứng kiến nhiều cây rừng đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại gốc. Trên các gốc cây không có dấu hiệu kiểm tra của lực lượng bảo vệ rừng.
Chỉ "trình báo" rồi chở gỗ đi
Để chở gỗ ra khỏi rừng, lâm tặc phải vượt qua Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba). Nhưng sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện lâm tặc khi qua trạm chỉ cần vào "trình báo" cho cán bộ rồi chở gỗ đi.
Vào khoảng 15 giờ ngày 13-8, nhóm lâm tặc ngừng cắt gỗ và đưa những hộp gỗ đường kính 30 cm x 30 cm, dài hơn 3 m, lên những chiếc xe độ chế để chở về. Khoảng 4 giờ sau, 7 xe máy độ chế, mỗi xe chở từ 2-3 hộp gỗ tập kết tại khu vực hồ thủy lợi xã Ia Dreh. Tại đây, một thanh niên đi vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh để "trình báo". Lúc này, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng đang nằm vắt vẻo trên võng trước cổng trạm. Ít phút sau, thanh niên trở lại và ra hiệu cho đoàn xe chở gỗ qua trạm.
Liên tục vào buổi chiều những ngày sau đó, chúng tôi đều ghi nhận lâm tặc chở gỗ tập kết gần Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh rồi cử người vào "trình báo" trước khi công khai chở gỗ về phía trung tâm xã. Kỳ lạ là không có cán bộ nào đứng ra chặn bắt, xử lý.
Sau khi xem những hình ảnh do phóng viên cung cấp, ông Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, tỏ ra rất bất ngờ với những động thái của thuộc cấp. "Tôi không ngờ các cán bộ lâm trường lại để cho gỗ lậu đi ngang nhiên qua trạm như vậy. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay để lâm tặc chở gỗ qua trạm" - ông Dương nói và cho biết trạm này có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng.
Sau khi kiểm tra, ông Dương gọi điện cho phóng viên thông tin rằng các cán bộ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh thừa nhận khi cho xe đi qua thì được lâm tặc mua đồ ăn hoặc cho 50.000 - 100.000 đồng.
Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, thừa nhận có tình trạng phá rừng tại khu vực rừng giao khoán cho các hộ dân buôn Kniê. Mỗi năm, xã Ia Rmok nhận trên 300 triệu đồng tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng.
"Trong tuần, từ 1 đến 2 lần, các hộ dân được giao giữ rừng phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn vào khu vực này để kiểm tra. Tuy nhiên, sau mỗi lần báo cáo đều không phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép" - ông Run nói.
Sẽ xử lý nghiêm Ông Tạ Chí Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, sau khi xem những hình ảnh lâm tặc ngang nhiên phá rừng, vượt trạm thì khẳng định sẽ xử lý nghiêm: "Với những trường hợp "tiếp tay", nếu đủ yếu tố, cơ quan chức năng sẽ khởi tố hình sự theo quy định pháp luật". |
Hoàng Thanh (Người Lao động)