Đọc sách cùng bạn: Mọi chuyện rồi sẽ ổn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 ở nước ta đang bước vào hồi quyết liệt. Cả nước đang cùng Đà Nẵng quyết tâm ngăn chặn con virus quái ác không để nó thâm nhập vào cơ thể con người và lan rộng ra nhiều nơi.

 Trong cuộc chiến chống dịch này mỗi người đều phải có lương tâm và trách nhiệm đóng góp với cộng đồng.
Trong cuộc chiến chống dịch này mỗi người đều phải có lương tâm và trách nhiệm đóng góp với cộng đồng.


Cuốn sách hôm nay tôi muốn bạn đọc là của một người trẻ đã trải qua trận dịch năm 2009 kể lại kinh nghiệm của mình và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ chống đại dịch hiện nay. Cuốn sách mang tên "Đi qua hai mùa dịch" và tác giả là Dy Khoa.

Ngày 16/6/2020, điện thoại của tôi nhận được dòng tin nhắn trên messenger của một người lạ không phải bạn trong facebook như sau:

"Con chào chú,

Con xin mạn phép gọi như vậy vì chưa biết chú ở bên ngoài.

Con tên là Nguyễn Hoàng Anh Khoa, con lấy bút danh cho nghề viết là Dy Khoa. Con vừa giới thiệu cuốn sách đầu tay "Đi qua hai mùa dịch" kể về chuyện chính bản thân mình bị dương tính với cúm A/H1N1 vào 11 năm trước cùng đó, giống như mọi người, con cũng trải qua đợt dịch COVID-19 năm nay. Xuyên suốt cuốn sách là tràn đầy năng lượng tích cực.

Con biết chú qua các bài viết về sách trên Dân Việt. Con hy vọng sẽ được chú đọc qua tác phẩm của con và góp ý giúp con.

Con xin phép gửi chú quyển sách để chú tiện đọc.

Cảm ơn chú ạ".

Tôi đã nhãng đi tin nhắn này hơn một tháng vì nó lưu vào mục "tin nhắn chờ". Mãi đến những ngày cuối tháng 7 khi đang ở Đà Lạt, tôi mới nhắn tin lại cho Khoa và cho địa chỉ nhà người quen để Khoa gửi sách. Khi sách tới nơi tôi đọc ngay, phần vì cuốn sách cũng mỏng, nhưng phần chính là vì tôi nóng lòng muốn biết sự trải nghiệm bệnh dịch của một người trong cuộc, nhất đây lại là người trẻ.

Năm 2009 Khoa đang là học trò phổ thông từ quê xuống thị xã (bây giờ là thành phố) Tây Ninh cách xa nhà bốn chục cây số trọ học. Sau một tháng tựu trường thì cậu bị sốt cao. Vào bệnh viện khám, cậu được lấy mẫu xét nghiệm bằng que phết họng và kết quả bác sĩ cho biết cậu bị mắc cúm A/H1N1. Cậu được đưa vào khu điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. May sao chỉ năm ngày sau cậu xét nghiệm lại có kết quả âm tính và được xuất viện, cùng mẹ trở lại quê.

Khoa kể cái lần bị cúm A/H1N1 đó cậu còn là học sinh, hồn nhiên chưa biết gì căn bệnh nguy hiểm đang hoành hành. Vào khu cách ly cậu vẫn cùng những bệnh nhân nhỏ tuổi nghịch quấy, chơi đùa. Nhưng sau này nhìn lại, cậu thấy lần đó mình đã thật may mắn có mẹ luôn ở bên, mẹ đưa vào viện kịp thời, vào viện được các y bác sĩ tận tình chăm sóc cứu chữa, ở trường lớp các bạn chia nhau chép lại bài học cho. "Và có lẽ tôi cũng may mắn vì thời điểm đó mạng xã hội chưa phổ biến như hiện tại nên các thông tin chia sẻ với nhau rất hạn chế. Tôi cũng sẽ không nghe được những lời xì xầm phía sau, nếu có. Và người ta cũng chẳng biết nhiều về tôi mà bàn tán. Ấy, không có quá nhiều thông tin lại là điều hay. Hay biết in thông tin cũng là cái dở. Vậy nên biết nhiều nhưng chọn lọc thì tốt hơn" (tr. 42).

 

ĐI QUA HAI MÙA DỊCH

Tác giả: Dy Khoa
SWEMEMO & Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ, 2020.
Số trang: 97
Số lượng: 1000
Giá bán: 78.000

Yêu thương, đó là điều lớn nhất Dy Khoa thu nhận được từ ca nhiễm bệnh của mình 11 năm trước. Và nay anh viết cuốn sách nhỏ này chính để muốn lan toả những yêu thương ấy đến mọi người trong cơn dịch bệnh hiện giờ mà mức độ tác hại và nguy hiểm đến từng cá nhân và cả cộng đồng còn nặng nề hơn lần trước.

Anh chia sẻ với những người làm nghề y trong những tháng ngày này. "Tôi được gần hơn với những người đang làm nghề mà tôi thần tượng, muốn trở thành họ, khi xưa. Họ cũng bằng xương bằng thịt, họ cũng nhỏ bé và có những lúc yếu lòng. Và từ đây tôi lại có thêm nhiều người bạn mới" (tr.49). Anh tự mình tìm hiểu và tích luỹ thêm những kiến thức y tế, nhất là về phòng chống dịch, để giúp mình và giúp người. Anh khuyên mọi người hãy loại trừ những cảm xúc tiêu cực và hãy tập nghĩ tích cực để tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch của cơ thể đề kháng coronavirus. Anh buồn khi thấy thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang là những thành phố đông vui tấp nập giờ trở nên vắng vẻ, đìu hiu, và rơi nước mắt cùng những người buôn bán phải đóng cửa hàng, giảm thu nhập.

Phần cuối cuốn sách Dy Khoa viết về cái điều đã thành câu cửa miệng hiện nay: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn". Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống, nhưng cũng là dịp khiến mỗi người tự sắp xếp lại cuộc sống của mình. Nhưng có những cái vĩnh viễn mất đi để lại nỗi đau cho người đang sống. Như Dy Khoa đã mất một người bạn thân hiểu mình như chính mẹ hiểu mình. "Giỗ Tâm năm nay rơi đúng đợt giãn cách toàn xã hội nên tôi cũng không được về quê đến nhà thắp nhang cho bạn". Và dòng cuối cuốn sách Khoa tái bút cho bạn mình: "Tao tin mày vẫn luôn bên cạnh tao. Không cần nói ra nhưng vẫn hiểu nhau như chúng ta đã từng" (tr. 97).

Một người trẻ đã đi qua hai mùa dịch như vậy. Cuốn sách của Dy Khoa gọn nhỏ, những dòng chữ là những lời tâm sự nhỏ nhẹ nhưng chứa đựng lòng yêu cuộc sống, lời cầu nguyện bình an cho mọi người. Đọc nó để có thêm lòng tin vào những điều tốt đẹp trong đời, nhất là ở lúc đang chống chọi với đại dịch COVID-19.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

https://danviet.vn/doc-sach-cung-ban-moi-chuyen-roi-se-on-20200803214749465.htm

Vinh, 2.8.2020
Phạm Xuân Nguyên
(Dẫn nguồn Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.