Siêu thị chia sẻ áp lực với người tiêu dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước áp lực giá cả hàng hóa tăng cao, nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang nỗ lực đàm phán với nhà sản xuất nhằm ổn định giá hàng hóa, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Nhiều mặt hàng tăng giá 5-10%
Xu hướng tăng giá bị tác động bởi chi phí đầu vào của nguyên liệu sản xuất, cộng với phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu khiến giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao. Do vậy, nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tăng giá bán ra thị trường. Về vấn đề này, ông Trần Đình Lê-Giám đốc Siêu thị VinMart Pleiku-thông tin: “Hiện tại, các nhà cung cấp đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán một số mặt hàng. Tuy nhiên, Siêu thị vẫn giữ ổn định giá bán cho đến hết tháng 3. Đây là nỗ lực của chúng tôi trong việc hỗ trợ khách hàng mua sắm trong thời điểm dịch bệnh và giá cả leo thang như hiện nay”. Theo ông Lê, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1-2-2022 áp dụng đối với một số nhóm hàng đã tạo điều kiện cho Siêu thị điều chỉnh giá bán giảm xuống hoặc giữ nguyên giá đối với nhóm hàng thực phẩm thiết yếu.
Trong khi đó, bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Tại Co.op Mart, giá bán lẻ tăng nhẹ 5-10% đối với một số mặt hàng thuộc nhóm đồ dùng gia đình, thực phẩm và gia vị. Nhiều nhà sản xuất, nhà cung cấp đã có thông báo điều chỉnh tăng giá bán 5-10%, áp dụng từ ngày 1-4. “Trước đà tăng giá diễn ra đối với nhiều mặt hàng, chúng tôi đã nỗ lực đàm phán và phối hợp với nhà sản xuất thực hiện cắt lô, đặt hàng số lượng nhiều để được hưởng giá tốt. Cùng với đó, điều chỉnh làm chương trình khuyến mãi để hỗ trợ khách hàng”-bà Thy chia sẻ.
Các siêu thị đang nỗ lực đàm phán với nhà sản xuất để có mức giá tốt nhất hỗ trợ người dân mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo
Các siêu thị đang nỗ lực đàm phán với nhà sản xuất để có mức giá tốt nhất hỗ trợ người dân mua sắm. Ảnh: Vũ Thảo
Đà tăng giá hàng hóa đang diễn ra ở hầu hết các mặt hàng, nhất là đối với mặt hàng chế biến công nghiệp như: thực phẩm đóng hộp, đóng gói, hàng tiêu dùng. Ông Trịnh Xuân Vỹ-Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (Comexim Gia Lai) cho biết: Hiện nay, Công ty có 40 đầu xe phục vụ bán hàng lưu động bao phủ khắp các địa bàn trong tỉnh với các mặt hàng thực phẩm công nghệ, tiêu dùng thiết yếu. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, cộng với giá cước vận chuyển khá cao nên đã đẩy giá một số mặt hàng có mức tăng khoảng 5%. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bán theo giá nhà sản xuất đưa ra, chỉ hưởng hoa hồng nên việc có điều chỉnh giá bán hay không là do nhà sản xuất. Nhờ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng nên các nhà sản xuất cũng giảm bớt áp lực tăng giá. Song với đà tăng giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào như hiện nay thì khả năng trong thời gian tới hàng hóa sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá theo”-ông Vỹ nhận định.
Nỗ lực giữ ổn định giá để hỗ trợ khách hàng
Để hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu, các siêu thị cũng đang giảm biên độ lợi nhuận bằng việc triển khai các chương trình ưu đãi giảm giá. Bà Châu Hoàng Thy cho hay: Nhằm chia sẻ áp lực với người tiêu dùng, từ ngày 17 đến hết 30-3, Co.op Mart Pleiku giảm giá đến 50% cho hơn 3.000 sản phẩm. Cụ thể, Siêu thị phối hợp cùng nhiều nhãn hàng thực hiện giảm giá 15-50% cho các sản phẩm dầu ăn, tương ớt, nước tương, nước mắm, đường, gạo, mì gói, hạt nêm… Bên cạnh đó, thực phẩm tươi sống như thịt heo, hải sản được giảm giá ưu đãi 15-20%; rau củ quả và trái cây cũng giảm giá lên đến 20%. Trong chương trình giảm giá tháng 3, nhiều nhãn hàng uy tín gắn liền với các hoạt động vì môi trường cũng cùng đồng hành với Co.op Mart trong việc áp dụng giảm giá đến 50% cho các mặt hàng: hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng…
Nhằm thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, từ ngày 17-3 đến hết 30-3, Co.op Mart Pleiku giảm giá mạnh đến 50% cho hơn 3.000 sản phẩm
Nhằm thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, từ ngày 17-3 đến hết 30-3, Siêu thị Co.op Mart Pleiku giảm giá đến 50% cho hơn 3.000 sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo
Tương tự, tại VinMart, hệ thống VinMart+, các chương trình ưu đãi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm cũng được áp dụng phổ biến đối với nhiều mặt hàng. Theo ông Trần Đình Lê, để hỗ trợ khách hàng mua sắm với mức giá ưu đãi nhất, từ nay đến hết tháng 3, VinMart sẽ áp dụng chương trình giảm giá đối với nhóm hàng thực phẩm và tiêu dùng như mì tôm, dầu ăn, nước mắm, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, nước giặt... với mức giảm 10-50%. Cùng với đó, chương trình lễ hội hàng tiêu dùng thiết yếu bán với giá thấp hơn giá thị trường cũng được triển khai nhằm giúp người dân mua sắm tiết kiệm nhất.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi bò: Khó khăn chồng chất

Chăn nuôi bò: Khó khăn chồng chất

(GLO)- Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bò hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng. Nghịch lý này khiến người nuôi bò ở Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ phải chấp nhận giảm đàn hoặc không tiếp tục nuôi nữa.

Gia Lai nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Gia Lai nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 305 sản phẩm còn trong hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP. Bên cạnh việc xúc tiến, quảng bá tiêu thụ, các chủ thể cũng chú trọng đầu tư nâng tầm sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

(GLO)- Haiquanonline.com.vn cho biết, tháng 4-2024, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.