Ia Grai: Xay xát cà phê gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các công ty, cơ sở và hộ cá nhân tổ chức phơi, sấy, xay xát cà phê.
Đổ bệnh vì khói bụi
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi từ việc xay xát cà phê của hộ bà Bùi Thị Tha và ông Phạm Trường Nhân, nhiều người dân tổ 6 (thị trấn Ia Kha) đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Ông Lê Đức Hợp (trú tổ 6) bức xúc: “Nhiều năm nay, cứ tầm tháng 11 đến tháng 4 năm sau, chúng tôi khốn khổ với bụi do xay xát hạt cà phê của hộ bà Bùi Thị Tha và ông Phạm Trường Nhân. Hai gia đình này xay xát cà phê cả ngày lẫn đêm rồi trực tiếp xả bụi ra môi trường khiến nhà con trai tôi thường xuyên phủ kín bụi. Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái luôn bị phủ một lớp bụi dày nên không hấp thu ánh nắng gây thiệt hại về kinh tế. Còn mấy đứa cháu của tôi bị viêm đường hô hấp, khó thở phải đi viện suốt”.
Nhà của ông Lê Đình Hùng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nằm phía sau khu vực đặt máy xay xát cà phê của gia đình bà Bùi Thị Tha nên cuộc sống bị ảnh hưởng do khói bụi. Ảnh: Hoành Sơn
Nhà ông Lê Đình Hùng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nằm phía sau khu vực đặt máy xay xát cà phê của gia đình bà Bùi Thị Tha nên cuộc sống bị ảnh hưởng do khói bụi. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Lê Đình Hùng-Tổ trưởng tổ 6 (thị trấn Ia Kha) cho biết: “Nhà tôi nằm sau lưng cơ sở chế biến cà phê của bà Tha nên hứng trọn lượng bụi từ máy xát. Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi khốn khổ với việc xay xát cà phê của gia đình bà Tha. Hộ ông Nhân mới làm vài năm nay. Dù ống xả máy xát của gia đình nhà ông ấy hướng về rẫy cà phê nhưng nếu có gió thổi ngược thì bay hết vào nhà tôi và mấy nhà lân cận. Chúng tôi đã gặp 2 gia đình và đề nghị có biện pháp khắc phục nhưng họ không làm. Đầu tháng 12-2020, người dân trong tổ bức xúc quá đã ký đơn tập thể đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý”.
Tương tự, nhiều hộ dân làng Klah 2 (xã Ia Dêr) bất bình trước việc khói, bụi từ hoạt động phơi, sấy hạt cà phê của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát và một số hộ kinh doanh cá thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
“Gần nhà tôi có 2 công ty và mấy hộ dân thu mua, kinh doanh, chế biến cà phê nên cuộc sống bị ảnh hưởng do khói, bụi. Đến vụ thu hoạch cà phê hàng năm là khói, bụi từ các công ty, hộ kinh doanh đó bay thẳng vào nhà tôi. Gặp lúc mưa phùn thì chúng tôi không thở được vì trong không khí toàn khói. Con cái thì suốt ngày bị viêm đường hô hấp trên. Chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không hạn chế được mùi khói, bụi bặm. Giờ chỉ có nước bán nhà thôi nhưng chả ai dám mua”-ông Rơ Com Dar (làng Klah 2) nói.
Sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý
Chúng tôi theo chân một số người dân ở tổ 6 (thị trấn Ia Kha) đến gần khu vực xay xát cà phê của 2 hộ: Bùi Thị Tha và Phạm Trường Nhân để tìm hiểu thực tế. Tại hiện trường, máy xát cà phê của 2 hộ này đang hoạt động và trực tiếp xả bụi bay mù mịt trong không trung gây cảm giác khó chịu. Mái nhà, cây cối của một vài hộ dân ở gần khu vực đặt máy xay xát phủ kín bụi đỏ.
5. Hộ kinh doanh cà phê Trung Đức do bà Bùi Thị Tha đại diện gây ô nhiễm môi trường
Cơ sở chế biến cà phê Trung Đức của hộ bà Bùi Thị Tha gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Nguyễn Xuân Hòa-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ia Kha-xác nhận: “Sau khi nhận đơn của người dân, UBND thị trấn đã kiểm tra, nhắc nhở hộ bà Bùi Thị Tha và hộ ông Phạm Trường Nhân triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Riêng ngày 4-1, đồng chí Thái Văn Ngự-Chủ tịch UBND thị trấn đã trực tiếp kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành chính hộ kinh doanh Trung Đức do bà Bùi Thị Tha làm đại diện vì đã có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: “Tiếp nhận phản ánh của người dân, chúng tôi phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra thực tế tại các công ty, cơ sở, hộ kinh doanh cà phê. Năm 2019, chúng tôi xử phạt Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai, cơ sở thu mua-kinh doanh-chế biến cà phê Nho Thụy (thị trấn Ia Kha) vì gây ô nhiễm môi trường. Năm nay, chúng tôi đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của cơ sở thu mua-kinh doanh-chế biến cà phê Nho Thụy vì có hành vi gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương kiểm tra các công ty, cơ sở, hộ kinh doanh cà phê để nhắc nhở họ triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra tại các công ty, cơ sở và hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện. Nếu phát hiện công ty, cơ sở, hộ cá nhân vi phạm các quy định bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh cà phê thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).