Mùa họp lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm nọ, mấy người bạn cùng lớp 9 năm 1969 mời cà phê để bàn về chuyện họp lớp năm nay. À, đã qua tháng 10 rồi, từ giờ đến cuối năm sẽ tất bật thu xếp để đi... họp lớp. Tất bật bởi cứ theo lớp, theo khối, theo trường và cả liên trường nữa thì sẽ có không dưới 5 cuộc gặp mặt từ bây giờ đến hết năm.
Cứ xem một đời người được định mức thời gian là 60 năm như nhạc sĩ Y Vân đã viết (ca khúc “60 năm cuộc đời”) thì ra chừng cũng ngắn ngủi lắm. Đã vậy, cái tâm trạng sống còn bị chia 3 rất rõ nét mà chẳng ai có thể cưỡng lại được. 20 năm đầu người ta sống và chuẩn bị cho tương lai; 20 năm tiếp theo thì bon chen, vật lộn cho hiện tại để rồi 20 năm cuối đời lại ngẫm, kiểm điểm và sống lại những gì đã qua trong quãng đời trước đó. Quá khứ của một thời cắp sách sẽ trở lại làm người ta tiếc nuối và mong muốn tái hiện. Có những câu chuyện, những sự kiện dù muốn hay không vẫn cứ hằn sâu trong ký ức.
Học trò của Pleiku thân thương có một truyền thống thật đáng yêu, không biết có phải do một nơi chốn “đi dăm phút đã về chốn cũ”, “Phố xá không xa nên phố tình thân” mà hễ ai đã từng gắn bó với Phố núi thì dù có đi đâu chăng nữa, xa cách mấy đi chăng nữa cũng không thể dứt tình.
Tranh minh họa
Tranh minh họa
Những người thuộc thế hệ 5X, 6X khắp nơi đua nhau họp lớp, họp khối, họp trường, nhưng gặp mặt thầy cô, bạn bè liên trường thì có lẽ chỉ có ở Pleiku. Năm kia, hơn 600 người từng là học sinh, gần 70 thầy cô từng đứng trên bục giảng từ 40 năm trước ở khắp nơi trong cả nước (kể cả những người đã định cư ở nước ngoài) đã lại gặp nhau tại Pleiku. Đó là lần họp mặt thứ 3.
Khuynh hướng làm sống lại một thời cắp sách của thế hệ này rất mạnh mẽ, tất cả như òa vỡ trong mỗi lần gặp mặt. Đám học trò cũ bỗng hồn nhiên “như thật”, ríu rít bên thầy cô, tranh nhau hỏi han, xúc động lắm! Các thầy cô chẳng giấu được ngấn lệ cùng trò mà có đứa tóc còn trắng hơn tóc thầy. Học trò cũng thế, những khuôn mặt lặng đi khi biết một người bạn năm nay không có mặt vì đã mất sau cơn bạo bệnh.
Hôm ấy, chúng tôi đã chứng kiến cuộc tái ngộ của 2 người bạn tưởng chừng không bao giờ gặp lại nhau sau 43 năm. Cả 2 ngỡ ngàng vì đã từng nghĩ về nhau rằng “chắc nó mất rồi” do cái sự biệt vô âm tín quá lâu. Thật ra, họ vẫn cùng sinh sống và làm việc trong thành phố này, nơi cư trú cách nhau không quá… 1 cây số!
Thời áo trắng ấy với biết bao nhiêu kỷ niệm, đâu chỉ với sân trường, hàng phượng vĩ, những buổi trốn học, những trò chơi nghịch ngợm của đám học trò chỉ xếp sau ma quỷ. Tất cả đều được gắn liền với từng khung cảnh cụ thể.
Khi ký ức ùa về, trở lại trường xưa, lang thang trên những con đường, góc phố quen ngày ấy, lòng không thể không ngậm ngùi nhớ, mà cái nuối tiếc đến xé lòng ấy nó ích kỷ lắm. Một nữ sinh Bồ Đề ngồi nhâm nhi ly cà phê trước căn nhà cũ của mình, rơm rớm nước mắt kể lại bao buồn vui, tiếc đến quay quắt 2 cây thông già trước nhà. Một nữ sinh Plei Me trở lại ngôi trường xưa, giờ đã thay đổi nhiều, trường lớp khang trang, bóng mát rợp sân trường, nhưng vẫn cứ thốt lên rằng tôi thích cái bụi mù mịt, cái màu đỏ của bùn bết lên tường lớp và cái chang chang nắng mỗi trưa đến trường...
Các thế hệ sau này cũng có những buổi họp lớp sau khi ra trường, vào đời với mỗi người một ngã rẽ. Mỗi năm họ lại tìm đến nhau như một sự kiện tổng kết, nó hơi khác với ý nghĩa hội ngộ của những thế hệ trước đó. Người mang đến buổi tái ngộ đồng môn niềm tự hào vì những thành công trên đường đời, người nhìn quanh rồi âm thầm ngậm ngùi, mặc cảm vì sự thua kém. Dù sao thì đó cũng là thực tế của đời sống.
Họp lớp hay những sự kiện tương tự dù vẫn còn ý kiến này nọ, nhưng với tôi nó là một nét đẹp, có ý nghĩa “ôn cố tri tân” cho những ai đã từng qua một thời cắp sách đến trường.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.