Cửa hàng 0 đồng ở Chư Pah

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ai thừa thì đến cho, ai thiếu thì đến nhận” là phương châm của Cửa hàng 0 đồng-mô hình được thành lập với mong muốn làm cầu nối những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện với người dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ cửa hàng đầu tiên ở xã Ia Ka, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Pah, Gia Lai đã mở thêm 2 cửa hàng  khác, đem lại nhiều hơn niềm vui cho những người khó khăn.
Vừa treo xong tấm biển thông báo mở cửa, chị Rơ Chăm HKen-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka, người thành lập cửa hàng-vội quay vào sắp xếp lại những vật phẩm vừa được hỗ trợ cho cửa hàng 0 đồng. Quả như chị giới thiệu, chỉ một lát sau, rất đông bà con trong làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka) đã có mặt tại cửa hàng. Sinh ra và lớn lên ở ngôi làng vùng 3 này, hơn ai hết, chị H'Ken hiểu dân làng khó khăn như thế nào và họ cần gì. Vì lẽ đó mà sau nhiều lần tham gia các hoạt động từ thiện, chị là người đưa ra ý tưởng mở cửa hàng 0 đồng này với suy nghĩ “Mặt bằng thì mình có sẵn nhà rồi, đóng vài cái kệ kê đồ đạc là xong, chỉ tốn công vận động nguồn hỗ trợ nhưng nhiệt huyết mình có thừa nên không lo”. Theo đó, cuối năm 2018, cửa hàng 0 đồng ra mắt và hiện đã được một số tổ chức, cá nhân biết đến, nhiệt tình hỗ trợ gạo cùng các nhu yếu phẩm, nhiều nhất là quần áo, sách vở.
    Chị Rơ Chăm H'Ken (bìa trái) tặng ti vi cho ông Rơ Chăm Sép.  Ảnh: H.U
Chị Rơ Chăm H'Ken (bìa trái) tặng ti vi cho ông Rơ Chăm Sép. Ảnh: H.U
Được mấy đứa nhỏ trong làng lựa cho một chiếc áo trắng tinh, vừa vặn, ông Rơ Chăm Bleh (70 tuổi) móm mém khoe: “Mình sẽ mặc cái áo này đi lễ nhà thờ. Áo còn mới và rất đẹp”. Nhìn ông Bleh hồ hởi thử áo, chị H'Ken giải thích thêm: “Thực ra, quần áo thì còn mới cả nhưng do bỏ trong bao lâu ngày dễ bị ẩm mốc. Mình huy động hội viên, phụ nữ, thanh niên, anh chị em gần nhà đến giặt lại. May mắn là mọi việc đều được mọi người đồng tình, san sẻ giúp đỡ”.
Dịp về quê lần này, vợ chồng chị Rơ Chăm Phyưm (người làng Mrông Yố 1, hiện làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục hỗ trợ thêm quần áo cho cửa hàng 0 đồng. Chị Phyưm kể: “Hồi mới vào TP. Hồ Chí Minh, thấy sao mọi người giàu quá, nhiều đồ đạc dư thừa, còn mới đã bỏ đi, mình thấy tiếc nên xin gửi về cho chị H'Ken để giúp đỡ dân làng. Thương nhất là đám con nít, không có quần áo mặc, không có cặp sách. Sau lần này, mình sẽ tiếp tục vận động, hy vọng sẽ có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm quan tâm, hỗ trợ”. 
Trong dịp này, ngoài quần áo, sách vở cho trẻ em trong làng, cửa hàng 0 đồng còn tặng ông Rơ Chăm Sép một cái ti vi. Dù đã qua sử dụng nhưng ti vi vẫn hoạt động rất tốt. Ông Sép cho biết: “Giờ già rồi, ở nhà nhiều hơn, có ti vi sẽ đỡ buồn”.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều bà con các buôn làng trong xã Ia Ka biết đến cửa hàng 0 đồng. Với tư cách là Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka, chị H'Ken cũng nhận được sự hỗ trợ từ Hội LHPN huyện Chư Pah để duy trì và phát triển mô hình. Đặc biệt, ý tưởng nhân văn này hiện đã được nhân rộng ra 2 địa phương khác là thị trấn Phú Hòa và xã Chư Jôr. Bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pah-đánh giá “Đây là một trong những mô hình có ý nghĩa thiết thực của tổ chức Hội Phụ nữ ở cơ sở. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị chủ động các nguồn lực để duy trì mô hình. Hội LHPN huyện cũng tuyên truyền đến tất cả các đơn vị nếu có sản phẩm nào của địa phương mình thì hỗ trợ thêm cho các cửa hàng tiếp tục hoạt động và duy trì lâu dài”.
 Trong cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè, nụ cười rạng rỡ và nét mặt hân hoan của những đứa trẻ làng Mrông Yố 1 khi tìm được đôi giày vừa vặn hay chiếc áo còn mới tinh mặc trong ngày tổng kết năm học như làn gió mát lượn quanh những ngôi nhà sàn đơn sơ của bà con xã vùng 3 Ia Ka. Có thể, Cửa hàng 0 đồng này mang lại hiệu quả chưa cao trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo, song tấm lòng của người đưa ra ý tưởng đến những người đồng cảm, ủng hộ mô hình đã dệt thành một sợi dây bền chặt kết nối tình cảm của bà con dân làng với nhau, tạo nên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Và đó chính là nền tảng để những làng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung nỗ lực vượt qua đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
 HẢI UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.