Bồi hồi ngày gặp lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi lên đường đánh giặc, họ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, tham gia chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên với những chiến công lẫy lừng như: Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đường 9-Nam Lào... Ngày gặp lại, những cựu chiến binh năm xưa cứ ôm chặt lấy nhau và những câu chuyện của 50 năm về trước cứ thế tuôn trào, xen lẫn với chuyện đời thường của ngày hôm nay...

Những tháng ngày Trị Thiên khói lửa

Ngày 16-6-1966, tiếng súng mở màn chiến dịch tiến công các căn cứ, cứ điểm của Mỹ-Ngụy  trên khắp miền Tây và Đông Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên vang lên. Cũng từ đây, những chiến thắng vang dội cứ tiếp nối. Đến nay đã tròn 50 năm nhưng cựu chiến binh Lê Văn Hoàn (hiện đang sống ở xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) vẫn không thể nào quên được những ngày ấy. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, đúng 18 tuổi, chàng trai trẻ ấy lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 17, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 304. Sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị. Tháng 2-1968, đơn vị ông mở màn trận đánh căn cứ Làng Vây. Ông kể: Cứ điểm Làng Vây cách thị trấn Khe Sanh 10 km là mắt xích quan trọng trong cụm chiến lược Khe Sanh, đồng thời nó án ngữ Đường 9-Khe Sanh và địch có hai cứ điểm 320, 230 được bố trí phòng thủ rất chặt chẽ. Ta đã bí mật áp sát cứ điểm Làng Vây với nguyên tắc “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Đúng 23 giờ 25 phút, ngày 6-2-1968, Sở Chỉ huy hạ lệnh tiến công, trận chiến diễn ra ác liệt, chúng tôi cùng đồng đội và các đơn vị khác xông lên phía trước trong mưa bom bão đạn của quân thù. Đến 3 giờ ngày 7-2-1968, ta cơ bản làm chủ trận địa.

 

 Ảnh: V.H
Ảnh: V.H

Với Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nhương, trận đánh Mậu Thân 1968 vẫn không thể nào quên. Theo đó, khẩu đội Pháo 12,7 ly của ông được giao nhiệm vụ tấn công sân bay Tà Cơn, từ ngày 22-1-1968 đến 30-3-1968. Ông chậm rãi: “Nhiệm vụ của đơn vị là cơ động đến sát hàng rào của sân bay, dùng hỏa lực phá hủy đường băng và bắn phá máy bay. Nhận lệnh, kíp chiến đấu chúng tôi vào vị trí chiếm lĩnh trận địa, nhưng do địa hình khó khăn, phải bí mật nên chỉ có 5 người và khẩu 12,7 ly vào được vị trí chiến đấu. Mệnh lệnh nổ súng tấn công, lửa đạn trút xuống đường băng. Ban đầu, quân địch hoảng loạn, nhưng sau đó chúng tập trung hỏa lực về phía ta. Kíp chiến đấu có 5 người thì 3 người bị thương và 2 người hy sinh, nhưng chúng tôi đã phá hủy 7 máy bay của địch, phá hỏng đường băng, góp phần hạn chế tối đa thương vong cho các đồng đội nơi các chiến tuyến khác”.

Trong sự bồi hồi xúc động của những người lính Trị Thiên năm xưa, tôi bắt gặp một người phụ nữ mặc quân phục và tấm Huy hiệu Bộ đội Trường Sơn. Đó là cựu chiến binh Phạm Thị Tuyết đang sinh sống tại xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Người con gái của đất Hưng Yên ngày ấy xếp “bút nghiên” lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Được biên chế vào Đoàn 559 và cử đi học y tá sau đó tham gia cùng đồng đội vừa cứu thương vừa sửa chữa đường, đảm bảo các phương tiện chi viện cho chiến trường miền Nam. “Gian khổ và ác liệt nhưng ai cũng quyết tâm sửa thật nhanh đường, bảo vệ an toàn cho các chuyến hàng từ Bắc vào Nam”-bà nhớ lại.

Và cuộc sống mới trên đất Tây Nguyên

Hơn 250 cựu chiến binh tham gia chiến đấu ở Mặt trận Đường 9-B5-Quân khu Trị Thiên đang sống tại Gia Lai có người trở thành Anh hùng, có người là nông dân, nhưng tựu trung lại ở họ vẫn giữ phẩm chất sáng ngời của Bộ đội Cụ Hồ.

Chiến tranh kết thúc, thương binh Lê Ngọc Quang (quê ở Triệu Nam, Triệu Phong, Quảng Trị) lại một lần nữa lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc-lên Tây Nguyên khai phá vùng đất mới. Ông kể: “Mang trong mình những vết thương nhưng vào Gia Lai chúng tôi lại bước vào một cuộc chiến mới, vừa khai hoang, rà phá bom mìn, trồng cây vừa cầm súng chiến đấu với FULRO. Nay sức đã yếu vì còn những mảnh đạn trong người và di chứng của chất độc da cam, nhưng tôi vẫn luôn động viên con cháu cố gắng lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Sau khi tham gia chiến trường Quảng Trị, cựu chiến binh Phạm Kim Xuân (hiện đang sống tại tổ 9, phường Hội Phú, TP. Pleiku) tiếp tục theo đơn vị vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục ở lại Gia Lai công tác. Giờ đây tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia công tác ở địa phương, là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam. Ngày ngày, người dân ở đây vẫn thấy một cựu chiến binh mang trên mình bộ quân phục đến thăm hỏi, động viên những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông tâm sự: “Đồng đội của mình nhiều người còn nghèo. Do đó, mình cố gắng giúp đỡ được phần nào hay phần đó”.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm