Xây mái ấm cho những "thiên thần"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bốn năm trước, khi chìm đắm trong những cuộc tiêu khiển không đầu không cuối, anh Lộc không ngờ ngày mình 'dừng bước giang hồ' lại bắt đầu từ… cái chết của những thai nhi.  
Sau 3 năm nhận thi hài về chôn cất, 'gia đình của những thiên thần' đã có đến 3.000 ngôi mộ. ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau 3 năm nhận thi hài về chôn cất, 'gia đình của những thiên thần' đã có đến 3.000 ngôi mộ. ẢNH: HOÀNG SƠN
Cái chết của những thai nhi dường như đã thức tỉnh phần người thiện lương mà anh “bỏ quên” trong suốt quãng thanh xuân lêu lổng. Để rồi suốt 3 năm qua, anh âm thầm tìm gom những thai nhi xấu số về chôn cất trên mảnh đồi mà anh gọi là “Family of Angles”.
Gia đình của “các anh, chị nhỏ…”
“Anh, chị nhỏ” là cách mà anh Kiều Phước Lộc (37 tuổi, trú tại đường Bình Hòa 2, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) gọi 3.000 thai nhi đang được an táng tại nghĩa trang ở thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang). Nghĩa trang này do chính anh lập nên. Anh tâm sự, ở các bệnh viện, phòng khám có những em bé chào đời trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, nhưng cũng có những thai nhi bị chối bỏ. “Khi không ai nhận về, các con trở thành những linh hồn không nhà. Tôi đưa các con về đây, ở cạnh nhau để không còn quạnh quẽ và được sưởi ấm”, anh Lộc mở đầu câu chuyện.

Anh Lộc trang trí nghĩa trang như một khu vườn dành cho trẻ thơ. ẢNH: HOÀNG SƠN
Anh Lộc trang trí nghĩa trang như một khu vườn dành cho trẻ thơ. ẢNH: HOÀNG SƠN
Bốn năm trước, khi chìm đắm trong những cuộc tiêu khiển không đầu không cuối, anh Lộc không ngờ ngày mình “dừng bước giang hồ” lại bắt đầu từ… cái chết của những thai nhi. Tuổi trẻ sa ngã của anh dường như không “bỏ sót” thứ cám dỗ nào, từ cá độ, lô đề, ăn chơi như một “cú đêm”… Vấp ngã, trắng tay, gia đình ly tán. Anh chán nản và càng có lý do để lâm vào con đường hút xách. Năm 2017, anh tình cờ gặp lại cô bạn cũ. Cô bạn hiểu những gì mà Lộc đang trải qua, quyết tâm lôi anh ra khỏi vũng lầy và dẫn anh đến với con đường thiện nguyện không giống ai này.
Anh “gác kiếm” theo bạn đi làm từ thiện, vào chăm sóc những nghĩa trang chôn cất hài nhi xấu số. “Tôi ra Hà Nội cùng cô bạn, tận mắt chứng kiến cô ấy mang găng tay tẩm liệm những hài nhi vừa được gom về. Hàm răng tui cắn chặt, trong đầu cứ ám ảnh câu hỏi: Đó là con người, nếu không chôn cất rồi những hài nhi này sẽ về đâu?”, anh nhớ lại. Rồi duyên cũng đến. Ngày 10.10.2018, vượt qua nỗi sợ, anh tự tay tẩm liệm thi hài đầu tiên rồi đưa về chôn cất ở nghĩa trang thuộc thôn Nam Yên. Những ngày đầu, cầm trên tay 250 triệu đồng do bạn bè, người thân đóng góp, khó khăn lắm anh mới tìm được mảnh đất đồi cây cối um tùm. Anh lặng lẽ phát quang, chở từng bao cát, viên đá… lên đắp mộ. Sáu tháng sau, nghĩa trang mới nên hình hài.
Sau 3 năm chôn cất, trên khoảnh đất rộng 2.500 m2 giờ đã chi chít những ngôi mộ nhỏ vuông vức. Anh chu đáo khắc bia, ghi đầy đủ ngày mất, pháp danh và số mộ. Chỉ về phía những ngôi mộ lớn hơn, anh Lộc nói: “Đó là khu vực những sinh linh đã trên 5 tháng tuổi. Tôi muốn dành cho các con một mái nhà. Còn những hài nhi tính bằng tuần tuổi, tôi gom các con vào khu riêng, với phần mộ giống nhau và diện tích nhỏ hơn. Các con phải “nhường nhịn” nhau bởi dù không muốn nhưng nay mai sẽ lại thêm những “thiên thần” khác đến ở”.

Ẩn sau vẻ bề ngoài có phần bụi bặm, Kiều Phước Lộc là một người đàn ông có trái tim nhân hậu. ẢNH: HOÀNG SƠN
Ẩn sau vẻ bề ngoài có phần bụi bặm, Kiều Phước Lộc là một người đàn ông có trái tim nhân hậu. ẢNH: HOÀNG SƠN
“Giải cứu” những thai nhi
Mất 6 tháng tự tay xây dựng nghĩa trang, anh Lộc mất thêm 6 tháng nữa để xây dựng niềm tin với các phòng khám, bệnh viện khi ngỏ lời “xin” đưa những thai nhi về chôn cất. Thời gian đầu, gần như ngày nào anh cũng cùng với cô bạn lui tới các cơ sở có dịch vụ nạo phá thai chỉ để cho họ… quen mặt và tỏ chút thành ý. “Dần dà người ta hiểu. Thấy chúng tôi có nơi để chôn cất các con và không kêu gọi kinh phí gì, các phòng khám, bệnh viện mới tin tưởng”, anh tâm sự.
Đưa nghĩa trang vào quy hoạch
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết từ cuối tháng 2 chính quyền địa phương đã cho tạm dừng việc chôn cất tại nghĩa trang hài nhi của anh Kiều Phước Lộc để đưa vào quy hoạch bổ sung đất nghĩa trang. Theo ông Nam, dù khu đất này nằm trong khu vực chôn cất lâu đời của người dân địa phương nhưng không thuộc diện đất nghĩa trang được quy hoạch. “Sắp tới UBND xã sẽ quy hoạch một số địa điểm làm nghĩa trang và sẽ tính toán bổ sung nghĩa trang này vào để tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý nhằm giúp anh Lộc tiếp tục làm thiện nguyện”, ông Nam nói.
Kể từ đó, Lộc cùng người bạn cứ lặng lẽ mang ba lô đi nhận hài nhi về chôn cất. Các cơ sở nạo phá thai thậm chí lưu số điện thoại của anh, sẵn sàng chia sẻ cho những cha mẹ lầm lỡ muốn gửi thai nhi đến nghĩa trang này. “Tôi đã cứu không ít thai nhi. Nhiều phụ nữ trước khi muốn bỏ thai đã gọi trước để xin tôi một chỗ trú ngụ cho con. Nhờ đó, tôi thuyết phục họ giữ lại và rồi không ít sinh linh bé bỏng đã chào đời…”, anh xúc động.
Trong một lần “giải cứu” thai nhi, anh còn giúp hàn gắn hạnh phúc cho một cặp vợ chồng trẻ. Số là cô gái trẻ ở Quảng Nam trót dại và mang thai 8 tuần tuổi. Cô gái gọi cho anh trong tâm trạng hoang mang tột độ, xin một chỗ cho thai nhi. “Nghe điện thoại xong, tôi đến chỗ hẹn để thuyết phục cô gái giữ lại cái thai. Cô ấy kể hết những khó khăn của mình. Sau cùng, tôi đã thuê nhà trọ tại Đà Nẵng cho cô gái để tránh những lời đàm tiếu ở quê. Tôi và cô bạn đã bên cạnh cho đến ngày cô ấy vào bệnh viện sinh hạ một cậu con trai kháu kỉnh”, anh Lộc nhớ lại. Sau khi sinh con, anh khuyên cô gái nên báo cho gia đình và bạn trai biết. Bạn trai từ Đắk Lắk xuống thăm con và họ cưới nhau sau đó không lâu. Đến nay đứa bé đã được 2 tuổi. Thỉnh thoảng, họ lại chụp ảnh đứa con của mình gửi cho anh…
Năm ngoái, Lộc cũng thuyết phục thành công một vụ mà theo anh cũng khá “tréo ngoeo”: dập tắt ý định bỏ thai của một người mẹ 42 tuổi, ly hôn đã lâu. Người phụ nữ này ngại dư luận đàm tiếu mình “không chồng mà chửa”. Ngay cả con gái lớn của chị cũng một hai muốn mẹ phải bỏ thai, vì xấu hổ. Biết chuyện, Lộc hẹn gặp cả 2 mẹ con để nói chuyện. “Tôi lấy điện thoại ra cho họ xem những hình ảnh, clip nhói lòng quay được trong những lần tẩm liệm, rồi “dọa” rằng phá bỏ thai sẽ tạo nghiệp lớn lắm. Cô con gái chùng xuống, bật khóc… Thế rồi hai mẹ con dắt nhau rời khỏi bệnh viện”, anh cười.

Mang đồ chơi, thú nhồ bông lên cho các “thiên thần”
Mang đồ chơi, thú nhồ bông lên cho các “thiên thần”
Chốn về sám hối
Hằng ngày, cứ 9 giờ sáng, Lộc lại có mặt ở nghĩa trang. Mỗi lần đến, anh mang lỉnh kỉnh nào sữa, bánh trái, nào đồ chơi… để đặt lên những ngôi mộ. Trong khuôn viên nghĩa trang, anh thiết kế khu vui chơi, trồng hoa không khác gì một công viên. Ở một góc nghĩa trang, anh lập am thờ vừa để nhang khói vừa để khách đến thăm có thể đặt lên đó ít đồ chơi, sữa bánh… “Mỗi ngày đến bên cạnh các con, tôi lại thấy trên bàn thờ có thêm vài món đồ chơi. Đó là quà của những bà mẹ giấu mặt khi về viếng mộ con mình. Cũng ở nơi này, nhiều cha mẹ khác sau vài năm tạm lánh đã đến quỳ gối trước mộ của con, khóc đến kiệt sức”, anh Lộc kể.
Anh chứng kiến không ít lần các bà mẹ trẻ đến trước mộ con bật khóc và xin lỗi. Có người không chịu về dù trời đã tối, mưa mờ mịt. Mỗi lần như thế, anh đến bên họ để an ủi. “Khi nhận những hài nhi, tôi chưa bao giờ hỏi lý do tại sao các chị lại bỏ con mình. Bởi ai cũng có những nỗi lòng, nỗi khổ tâm không nói ra được. Tôi chỉ khuyên các chị nên trở về, có nhớ con thì ngày rằm mùng 1 đến đây nhang khói”, anh nói.
Thu nhập của anh Lộc từ công việc bán nước, hoa không được nhiều, nhưng hễ dành dụm được đồng nào là anh lại dành để xây mộ, chỉnh trang “nhà trẻ”. Lắm lúc trong người không còn đồng nào nhưng chưa bao giờ anh nhận tiền từ những người mẹ đến thăm mộ con và năn nỉ anh giữ ít tiền để nhang khói. “Tui cự liền. Lấy tiền từ họ không khác gì mình đồng tình với việc họ đã làm. Họ đến, thấy đó tự biết mình phải sám hối thế nào. Tui chỉ mong những hình ảnh ám ảnh về hài nhi, những câu chuyện ở nghĩa trang này khi kể lại sẽ phần nào làm vơi bớt sự nhức nhối của nạn nạo phá thai”, anh tâm sự.
***
Đứng ngọ, tôi cũng sửa soạn rời nghĩa trang. Lộc cũng dừng tay vì đống vữa xây mộ vừa hết. Anh bảo, những tháng ngày lặng lẽ san đồi đắp mộ, anh chưa khi nào cảm thấy mình cô độc. Có cơn gió lùa qua, anh chỉ tay về những chong chóng đang xoay tít, cười hiền: “Các “thiên thần” đang nô đùa ở kia…”.
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?