Chân trần chinh phục Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, Nguyễn Viết Sinh - người lính trẻ Đoàn 559 Trường Sơn - đã mang ngót 55 tấn hàng trên lưng đi qua quãng đường tổng chiều dài 41.025 km, hơn một vòng trái đất!
Dịp 2-9 vừa qua, nhân các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh ở tỉnh Nghệ An, tôi đã gặp đại tá Nguyễn Viết Sinh (SN 1941). Tiếp xúc người mà mình từng nghe danh và ngưỡng mộ, tôi không khỏi ngỡ ngàng tự hỏi với thân hình gầy yếu như thế, làm sao ông có thể làm được những điều phi thường, lập nên một kỷ lục khó tin.
Chân trần, chí thép
Giữa tháng 9-2018, tôi quyết định tìm đến xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thăm đại tá Nguyễn Viết Sinh. Trong căn nhà nhỏ của mình, kiện tướng gùi hàng trên đỉnh Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ngày nào giờ tóc đã bạc trắng nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn.
Rót cốc nước chè mời khách, ông Sinh cho biết: "Trước đây, tôi ở TP Vinh. Mấy năm nay, vợ chồng tôi về quê ở gần anh em, bà con cho vui". Nghe tôi gợi lại chuyện cùng đồng đội vận chuyển hàng, chiến đấu ở Trường Sơn năm xưa, ông trở nên phấn chấn hẳn. Ký ức một thời trai trẻ tham gia chiến đấu cách nay gần 60 năm ùa về với ông...
Ông Sinh cho biết năm 1961, khi vừa tròn 20 tuổi, ông hăm hở lên đường nhập ngũ. Từ Nghệ An, ông bí mật di chuyển vào huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tham gia Tiểu đoàn 301 - Đoàn 559 nhận nhiệm vụ tải hàng vào chiến trường miền Nam.
"Sau khi vào đơn vị, công việc đầu tiên của tôi là làm quen với công việc gùi hàng. Ban đầu, tôi chỉ gùi được khoảng 10-20 kg gạo. Sau này quen dần, đến năm 1965, tôi có thể gùi 60-70 kg gạo hoặc vũ khí, đi bộ 30-40 km đường rừng" - ông Sinh nhớ lại.
Theo ông Sinh, trong giai đoạn 1960-1965, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí chi viện cho miền Nam chỉ bằng sức người, cụ thể là gùi trên lưng. Những năm tháng gian khổ và ác liệt đó, ông Sinh cùng đơn vị đóng chốt tại các huyện miền núi Quảng Bình và nước bạn Lào. Ngày ngày, họ đi bộ xuyên rừng, miệt mài vận chuyển hàng cho tiền tuyến.
Chỉ với đôi dép cao su và chiếc gùi trên lưng, anh tân binh Đoàn 559 Trường Sơn đã làm được những việc khó tin. Theo thống kê, năm 1962, chiến sĩ Nguyễn Viết Sinh đã gùi 13.553 kg hàng trên đoạn đường 10.196 km; năm 1963 gùi 9.365 kg hàng và khiêng 23 cáng thương; năm 1964 mang vác 11.445 kg, thồ 8.230 kg, khiêng 62 thương binh trên đoạn đường 10.982 km...
"Thời điểm nhập ngũ, tôi chỉ nặng gần 50 kg. Trong những năm cùng đơn vị gùi hàng xuyên rừng, leo dốc vượt dãy Trường Sơn, mỗi ngày đi 30-40 km nhưng tôi không hề ốm đau, chưa một ngày nghỉ việc. Chiến tranh, bệnh sốt rét, ăn uống kham khổ - nhiều hôm chỉ có măng với rau rừng trừ bữa… nhưng lạ một điều là tôi chẳng hề ốm đau. Lúc đó, tinh thần phục vụ tiền tuyến át hết bệnh tật" - người lính già tự hào.
Năm 1966, trong một đợt bị máy bay Mỹ dội bom, đơn vị ông Sinh có 4 người hy sinh, 9 người bị thương. Ông may mắn sống sót nhưng cũng bị bom bi xuyên nách vào phổi, phải phẫu thuật. Sau khi điều trị lành vết thương, ông lại tiếp tục cùng anh em đơn vị ngày đêm vận chuyển hàng cho tiền tuyến.
Nhận xét về đại tá Nguyễn Viết Sinh, trong cuốn "Chân trần chí thép" viết về đường mòn Hồ Chí Minh, được xuất bản vào tháng 4-2010, trung tá thủy quân lục chiến người Mỹ James G.Zumwalt nêu rõ: "Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45-50 kg. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025 km - tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo và mang theo một lượng hàng bằng với trọng lượng cơ thể".
Đại tá Nguyễn Viết Sinh với những kỷ vật một thời
Đại tá Nguyễn Viết Sinh với những kỷ vật một thời
Lỡ cơ hội gặp Bác
Với những chiến công suốt nhiều năm tham gia gùi hàng chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 1-1-1967, ông Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự trở thành một trong 3 người lính Trường Sơn đầu tiên được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang và được ra Hà Nội báo cáo điển hình.
"Nghe tin được ra Hà Nội, tôi mừng lắm, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, cứ mong sớm được gặp Bác" - ông Sinh hồi tưởng. Theo ông, thời điểm đó, ông đang chiến đấu ở Lào, ôtô chỉ ưu tiên cho việc vận tải súng đạn, lương thực, thực phẩm. Vì vậy, để về nước và ra Hà Nội, ông phải đi bộ xuyên rừng suốt nhiều ngày.
"Do ở sâu trong nước bạn Lào nên tôi đi bộ suốt 10 ngày mới về tới Quảng Bình. Gặp Binh trạm 14 ở khu vực Cổng Trời, tôi vào nghỉ thì tối hôm đó bất ngờ nghe đài phát thanh đưa tin hội nghị tuyên dương anh hùng. Biết là không còn có cơ hội gặp Bác nên tôi lại đi bộ trở về đơn vị" - ông Sinh tiếc nuối.
Chiến tranh kết thúc, ông Sinh tiếp tục công tác trong quân đội và giữ những chức vụ quan trọng như: Phó Chính ủy Trung đoàn 15, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 185 ở Lào. Đến đầu những năm 1990, ông về hưu.
"Tháng 8-1974, khi đang ở Lào, tôi được cử ra Hà Nội học. Mười mấy năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, điều đáng tiếc nhất với tôi là không được phục vụ chiến dịch giải phóng miền Nam vào năm 1975" - ông Sinh tâm sự khi được hỏi về cuộc đời binh nghiệp của mình, điều gì khiến ông cảm thấy tiếc nuối nhất.
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì vợ đại tá Nguyễn Viết Sinh, bà Đinh Thị Vân, xuất hiện. Ông Sinh cho biết vợ ông là người cùng quê Nam Đàn. Hai người bén duyên nhau sau một lần ông về thăm nhà vào năm 1964.
"Năm 1965, nhận được thư của người yêu nói về nguyện vọng gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, tôi đã động viên cô ấy tham gia. Yêu nhau nhưng chúng tôi rất ít có cơ hội gặp nhau vì cô ấy công tác ở các tuyến đường Nghệ An, còn tôi thì lại ở Lào. Chiến tranh, xa nhau, không biết chết lúc nào nhưng chúng tôi luôn tin vào tình yêu, tin vào ngày đất nước thống nhất để được ở bên nhau" - ông Sinh thổ lộ.
Đến năm 1969, ông Sinh và bà Vân tổ chức đám cưới, rồi có với nhau 3 người con. Hiện đại tá Nguyễn Viết Sinh ở cùng vợ và con trai trong một căn nhà nhỏ tại xã Xuân Hòa. Ông sống bình dị, hòa đồng với xóm làng. Ngoài công việc gia đình, ông thường đứng ra kêu gọi, tổ chức cho đồng đội đi thăm lại chiến trường xưa, tri ân những người đã ngã xuống. 

 Kỷ lục Việt Nam của Anh hùng Nguyễn Viết Sinh do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận
Kỷ lục Việt Nam của Anh hùng Nguyễn Viết Sinh do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận
Kỷ lục Việt Nam
Ngày 21-4-2012, đại diện Ban Tổ chức chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ trao bằng kỷ lục Việt Nam cho Anh hùng Nguyễn Viết Sinh là "Chiến sĩ giao liên Trường Sơn gùi thồ hàng và dẫn quân với đoạn đường dài nhất".
Nói về đại tá Nguyễn Viết Sinh, ông Bùi Danh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, tự hào: "Ông là tấm gương sáng được mọi người trong xã kính mến, nể phục. Ông sống giản dị, hòa đồng, gần gũi với mọi người".
Đức Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.