Chuyến thăm đầu tiên, cuộc gặp cuối cùng với lãnh tụ ​Fidel Castro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là lần đầu tiên Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp riêng Fidel Castro, cũng là cuộc gặp cuối cùng của vị lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba với một nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong cuốn sổ nhỏ ghi lịch trình chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau phần ghi thời gian từ sân bay về tới nhà khách vào lúc 13g40 ngày 15-11-2016 theo giờ Cuba, có thêm một dòng chữ ghi lịch làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào lúc 14g45: rời đi hoạt động riêng!

 

Lãnh tụ Fidel Castro tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 15-11-2016.
Lãnh tụ Fidel Castro tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 15-11-2016.

Rất ít người biết rằng “hoạt động riêng” ấy là việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi thăm lãnh tụ Fidel Castro!

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều dịp đến Cuba, nhưng đây là chuyến thăm chính thức Cuba đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam.

Vẫn biết là ai đến Cuba cũng muốn được gặp Fidel, nhưng việc đó không hề dễ dàng. Sau khi bị ngã năm 2004 ở một cuộc mittinh rồi phẫu thuật dạ dày năm 2006, sức khỏe của Fidel không còn như xưa nữa.

Fidel hạn chế gặp khách, nhất là khách nước ngoài. Ngay cả khi đã ấn định được một cuộc gặp thì điều đó cũng không hoàn toàn chắc chắn.

Thế nhưng trước khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Hà Nội, phía Cuba thông báo Fidel đã ấn định: cuộc gặp sẽ diễn ra lúc 15g ngày 15-11-2016.

Cũng bởi vậy nên thời gian chuyên cơ cất cánh ở Hà Nội, sau đó dừng hai giờ đồng hồ ở Paris được tính toán sao để Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt chân tới La Habana trước thời điểm đó chừng một giờ đồng hồ.

Và đúng hơn một giờ đồng hồ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt chân đến Cuba, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Fidel và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp riêng Fidel, cuộc gặp cuối cùng của vị lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba với một nhà lãnh đạo Việt Nam.

Cuộc gặp chiều 15-11 theo giờ Cuba diễn ra ở phòng khách trong ngôi nhà của Fidel. Tham dự cuộc gặp có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba Dương Minh.

Tiếp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân, ngoài Fidel có con trai Fidel, ông Alex Castro và mẹ, bà Dalia Soto del Valle.

Phiên dịch cho cuộc gặp là một nữ phiên dịch viên người Cuba mà anh em Việt Nam thường gọi tên Việt thân mật là Linh. Cô chính là con gái của cựu đại sứ Cuba tại Việt Nam F. Gonzalez, một người rất giỏi tiếng Việt và cũng có một cái tên Việt Nam là “Hùng”.

Trời La Habana cuối thu nên mát mẻ vào buổi chiều. Fidel ngồi trên chiếc ghế lót đệm có bánh xe, chân đi tất ấm, mặc áo sơmi bên trong, bên ngoài khoác áo thể thao theo phong cách quen thuộc khi tiếp khách.

Hàm râu nổi tiếng của Fidel đã bạc theo màu tóc. Ông đeo kính, thường xuyên nở nụ cười hiền trong khi nói chuyện.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chuyển tới Fidel lời thăm hỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, của các nhà lãnh đạo Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn đánh giá cao và không bao giờ quên những đóng góp của Fidel đối với việc xây dựng, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa hai nước.

Lãnh tụ Fidel Castro cũng qua Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời thăm hỏi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà Fidel đã gặp hồi tháng 4-2012 nhân chuyến thăm của Tổng bí thư tới Cuba.

Fidel cũng không quên gửi lời thăm hỏi sức khỏe tới các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo khác của Việt Nam.

 

Sau khi Chủ tịch Fidel Castro từ trần, ngày 28-11-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để viếng ngài.
Sau khi Chủ tịch Fidel Castro từ trần, ngày 28-11-2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội để viếng ngài.

Rồi bất chợt Fidel hỏi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Fidel đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, lĩnh vực hai nước có nhiều dự án hợp tác.

Ở vùng Calimete thuộc tỉnh Matanzas của Cuba, cách La Habana chừng 170 cây số, các chuyên gia Việt Nam đang hỗ trợ các bạn Cuba trong một dự án sản xuất lúa gạo.

Những dự án như vậy nhằm giúp Cuba giảm dần lượng gạo phải nhập khẩu hằng năm từ 400.000-500.000 tấn trong thời kỳ 2005-2011 xuống còn mức 300.000 tấn trong giai đoạn từ 2012-2015.

Fidel tỏ lời cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ Cuba trong quá trình khắc phục khó khăn do lệnh cấm vận gây ra, càng ngày càng tự chủ về lương thực.

Thật ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Cuba hỏi Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất cặn kẽ về cây đậu tương và cây ngô, những loại cây có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Fidel cũng hỏi cặn kẽ về cách trồng lúa nước, cách nuôi trồng thủy sản, về sản lượng đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam.

Sự hiểu biết của Fidel về các lĩnh vực rộng lớn trong đời sống con người đã trở thành huyền thoại. Nhưng ở Fidel không có sự hiểu biết chung chung, nhà lãnh đạo Cuba luôn đi sâu vào các chi tiết, nắm rất rõ những đặc tính, bản chất của vấn đề mà mình quan tâm.

Rồi Fidel tự mình giới thiệu với Chủ tịch nước Trần Đại Quang một số loại hạt được gieo trồng ở các nước Mỹ Latin. Fidel bẻ đôi một vài hạt, nói đó là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp để bổ sung cho sản xuất lương thực.

Nhà lãnh đạo cách mạng Cuba hỏi: “Việt Nam đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, vậy đời sống của người dân Việt Nam có được cải thiện nhiều hay không?”.

Trước tấm lòng chân tình của Fidel, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xúc động thông báo với nhà lãnh đạo cách mạng Cuba kết quả Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như những thành tựu của quá trình đổi mới diễn ra ở Việt Nam.

Chủ tịch nước nói mặc dù đã đạt được một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình đổi mới nhưng hiện Việt Nam vẫn tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm tòi và hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế...

Fidel nghe vậy rất vui. Nhà lãnh đạo cách mạng Cuba chúc mừng những thành tựu đổi mới ở Việt Nam. Fidel vui vẻ nói: “Chắc đời sống của người dân Việt Nam bây giờ khá hơn nhiều so với hồi tôi sang thăm Việt Nam!”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Fidel bức tranh chân dung nhà lãnh đạo cách mạng Cuba ghép bằng đá quý do các nghệ nhân Việt Nam tạo tác. Fidel chỉ vào bức tranh chân dung mình, nói vui: “Đây là hồi tôi còn trẻ, còn bây giờ khác nhiều rồi!”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng không quên nhắc lại với Fidel kỷ niệm về những ngày nhà lãnh đạo Cuba tới thăm vùng giải phóng Quảng Trị tháng 9-1973.

 

Lãnh tụ Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến, bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế.
Lãnh tụ Fidel Castro phất cao lá cờ bách chiến, bách thắng lấp lánh huân chương của đoàn Khe Sanh, quân Giải phóng Huế.

Hình ảnh Fidel vẫy lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên điểm cao 241 ở Tân Lâm, Quảng Trị mãi khắc ghi trong tâm khảm của những người dân Việt Nam về tấm tình nồng nhiệt, sự quả cảm của nhà lãnh đạo Cuba đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói nhân dân Việt Nam vô cùng ngưỡng mộ hành động của một nguyên thủ nước ngoài duy nhất đã tới thăm vùng chiến trường lửa đạn vẫn còn khét mùi thuốc súng.

Cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Fidel đã kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Thần sắc của nhà lãnh đạo cách mạng Cuba vẫn tươi tắn. Fidel có vẻ vui vì gặp người đại diện của đất nước Việt Nam anh em vượt qua nửa vòng trái đất đến thăm.

Cuộc nói chuyện dường như không dứt nếu như Chủ tịch nước Trần Đại Quang không lo rằng nếu nói chuyện dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Fidel, nên đành chủ động lưu luyến nói lời tạm biệt.

Cả ông lẫn Fidel lúc ấy hẳn đều không thể ngờ rằng đấy là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa hai người.

Giờ đây, cuộc gặp đó đã trở thành một phần của lịch sử. 

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.