Làm rõ 7 đối tượng phá rừng, tập kết gỗ lậu sát nách trạm kiểm lâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng công an đã vào cuộc làm rõ được 7 đối tượng phá rừng đặc dụng, thu giữ hơn 40m3 gỗ lậu còn lại tại hiện trường.



Sáng 12-12, một lãnh đạo Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn tại rừng đặc dụng Nam Ka mà báo chí phản ánh, đến nay cơ quan công an đã làm rõ được 7 đối tượng tham gia phá rừng.
 

 Hiện trường vụ phá rừng đặc dụng quy mô lớn
Hiện trường vụ phá rừng đặc dụng quy mô lớn



Theo vị lãnh đạo này, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, Công an huyện Krông Ana đã nhanh chóng xác lập chuyên án, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đắk Lắk và các ngành chức năng có liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ.

Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện còn sót lại 13 lóng gỗ tròn; 22 hộp gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII với tổng khối lượng hơn 41m3. Tất cả số gỗ này được khai thác tại các tiểu khu 1023,1024,1025 do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý. "Đây là vụ phá rừng có quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Từ các dấu vết để lại hiện trường, sau ít ngày điều tra, chúng tôi đã làm rõ được 7 đối tượng tham gia vụ phá" - vị lãnh đạo này cho biết thêm.


 

Cơ quan công an đã làm rõ được các đối tượng phá rừng
Cơ quan công an đã làm rõ được các đối tượng phá rừng



Tại cơ quan công an, đối tượng Trần Văn Ánh (SN 1978, ngụ xã Hòa Bình, huyện Krông Ana) – 1 trong 7 đối tượng tham gia phá rừng, khai nhận lúc đầu vào rừng với mục đích cưa cây lấy phản về dùng. Sau đó, có người đặt hàng nên đã vào rừng lấy gỗ về bán.

Theo Công an huyện Krông Ana, ngoài khối lượng gỗ, tại rừng cơ quan công an đã thu giữ 2 máy tời, 3 cưa lốc và 1 con trâu. Đồng thời, thu giữ nhiều tấm phản, hộp gỗ không có giấy tờ hợp pháp tại nhà những người dân gần rừng. Do hiện trường vụ phá rừng là đồi núi hiểm trở, nhiều m3 gỗ chưa được ra khỏi rừng nên đang cắt cử lực lượng trông coi. Công an huyện Krông Ana đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý 7 đối tượng trên cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các cơ quan quản lý, bảo vệ rừng.


 

 Những cây gỗ thụ trong rừng đặc dụng bị tàn phá
Những cây gỗ thụ trong rừng đặc dụng bị tàn phá



Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại khu vực rừng đặc dụng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka. Điều đáng nói, điểm tập kết gỗ để tuồn ra khỏi rừng chỉ cách Trạm Kiểm lâm số 8, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m nhưng không hiểu sao lực lượng này không biết.

Theo Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.