Thuốc Covid-19 có đủ sức là vũ khí đắc lực thay đổi cuộc chiến chống virus?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai loại thuốc điều trị COVID-19 gần đây đã cho thấy hiệu quả thực sự hứa hẹn, nhưng liệu nó có trở thành vũ khí đắc lực trong cuộc chiến chống virus?

Pfizer sản xuất thuốc điều trị COVID-19 tại Freigburg, Đức. Ảnh: Pfizer
Pfizer sản xuất thuốc điều trị COVID-19 tại Freigburg, Đức. Ảnh: Pfizer
Kết quả đầy hứa hẹn
SCMP đưa tin, trong số hàng trăm phương pháp điều trị COVID-19 đang được nghiên cứu, phát triển trên toàn thế giới, trong những tuần gần đây, các hãng dược phẩm lớn đã công bố kết quả đầy hứa hẹn đối với 2 loại viên uống kháng virus, mở đường cho khả năng sử dụng đại trà cho bệnh nhân COVID-19.
Đầu tháng 11, thuốc Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đã trở thành viên uống điều trị COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Anh phê duyệt sử dụng cho những bệnh nhân tình trạng nhẹ đến trung bình và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ phát triển bệnh nặng. Thuốc được tuyên bố có tác dụng làm giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho người mắc COVID-19.

 Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 của Merck và đối tác Ridgeback. Ảnh: Merck
Thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 của Merck và đối tác Ridgeback. Ảnh: Merck
Trong khi đó, dược phẩm Pfizer cũng của Mỹ ngay sau đó cũng tuyên bố một loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng này phát triển, có tên là Paxlovid, làm giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành mắc COVID-19 nhẹ hoặc trung bình. 
Tuy hiệu quả của cả hai loại thuốc mới chỉ dừng lại ở kết quả tạm thời, nhưng 2 hãng dược phẩm đang trong quá trình xin cấp phép ở Mỹ, và đã sẵn sàng kế hoạch cung cấp thuốc trên toàn cầu với sự chấp thuận của nhiều quốc gia. Một số quốc gia trên thế giới đã xếp hàng để có cơ hội mua hoặc sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Vũ khí đắc lực giúp sống chung với COVID-19
Các chuyên gia y tế cho biết, thuốc có tác dụng đáng kể đối với việc điều trị COVID-19 và khả năng sống chung với virus của các quốc gia, đặc biệt là khi kết hợp với tỉ lệ bao phủ vaccine cao. Tiêm chủng vẫn được coi là cách bảo vệ tốt nhất chống lại đại dịch, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa quan trọng khác như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Phần lớn các quốc gia sẽ phụ thuộc vào thuốc điều trị COVID-19 nếu trên thực tế chúng vẫn duy trì được hiệu quả như trong các thử nghiệm lâm sàng - nơi thuốc được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn đầu mắc bệnh. Như vậy sẽ đảm bảo cho những người không chủng ngừa, không thể chủng ngừa do điều kiện sức khỏe hoặc lây nhiễm đột phá dù đã tiêm vaccine, không rơi vào trường hợp bệnh nặng, phải nhập viện hay tử vong vì COVID-19.

 Tiêm chủng vẫn được coi là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ảnh: AFP
Tiêm chủng vẫn được coi là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ảnh: AFP
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là phó giáo sư tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, Sanjaya Senanayake, cho biết: “Vì chúng ta có thể sẽ sống chung với COVID-19 trong thời gian dài, nên thuốc điều trị là rất quan trọng, giúp bổ sung thêm vào kho vũ khí chống virus''.
Ashley Brown, phó giáo sư tại Viện Đổi mới Trị liệu tại Đại học Y khoa Florida, cho rằng thuốc kháng virus dạng uống là nhân tố thay đổi cuộc chiến chống COVID-19 vì nó có thể sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Không giống như phương pháp điều trị COVID-19 qua đường tiêm tĩnh mạch hiện có như thuốc Remdesivir - bệnh nhân phải nhập viện và đáp ứng một số tiêu chí về tình trạng bệnh - thuốc viên dạng uống được sử dụng trong giai đoạn sớm khi bệnh nhân mới mắc bệnh hoặc thậm chí mới tiếp xúc với mầm bệnh để ngăn chặn bệnh tiến triển và ngăn chặn khả năng lây lan virus về sau.
Quan ngại của chuyên gia
Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc cho người nhiễm và phơi nhiễm virus được tiếp cận sớm với thuốc điều trị COVID-19 còn phụ thuộc vào khả năng của từng quốc gia trong truy vết và xét nghiệm. Ngoài ra, vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của 2 loại thuốc của Merck và Pfizer liệu có bị suy giảm nếu người bệnh không sử dụng thuốc từ sớm.
Một mối quan ngại khác khi nói đến thuốc kháng virus là liệu nó có dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở người bệnh hay không. Đây là điểm chung cho các phác đồ điều trị các bệnh do virus mãn tính gây ra, trong có cả thuốc kháng virus của hãng Pfizer.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải theo dõi tình hình và tiếp tục phát triển các loại thuốc mới có thể được sử dụng cùng các loại thuốc điều trị COVID-19 hiện có để chống lại tình trạng này.

 Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19 tới 89%. Ảnh: Pfizer
Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả ngăn ngừa nhập viện và tử vong do COVID-19 tới 89%. Ảnh: Pfizer
Theo phó giáo sư Brown, các loại thuốc tương tự thuốc Molnupiravir của Merck được biết là có khả năng cao trong ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Phó Giáo sư bệnh học và sinh học tế bào Alejandro Chavez tại Đại học Columbia, New York lưu ý, rất khó để đánh giá được hiệu quả của thuốc điều trị COVID-19 trong dài hạn nhưng dữ liệu ngắn hạn cho thấy thuốc có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự nhân bản của virus SARS-CoV-2.
Ông nói: “Cách duy nhất để đánh giá rủi ro dài hạn là thông qua kết hợp các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học… Với bất kỳ hợp chất nào được áp dụng cho con người, luôn phải có sự giám sát sau khi phê duyệt''.
Theo ông Chavez, nếu 2 loại thuốc điều trị COVID-19 của Merck và Pfizer có thể giúp kiểm soát đại dịch, điều đó cũng sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể COVID-19 mới.
BẢO CHÂU (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.