Mũi vaccine COVID-19 Nano Covax liều cao nhất đã được tiêm thử nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng nay, Học viện Quân y đã tiến hành tiêm liều vaccine COVID-19 Nano Covax 75 mcg cho nữ tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 3. Sau theo dõi 3 giờ ổn định, 2 tình nguyện viên tiếp theo sẽ được tiêm vào trưa và chiều nay.

Các bác sĩ tiêm mũi vaccine COVID-19 có tên Nano Covax liều cao nhất cho nữ tình nguyện viên. Ảnh: PV
Các bác sĩ tiêm mũi vaccine COVID-19 có tên Nano Covax liều cao nhất cho nữ tình nguyện viên. Ảnh: PV
Cảm thấy yên tâm khi tham gia thử nghiệm
Đây là 3 người đầu tiên trong nhóm 20 người cuối cùng tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất.
Theo chia sẻ của một nữ tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam, cô là sinh viên ngành y, đã được giải thích đầy đủ về loại vaccine sẽ tiêm. Cũng như các loại vaccine khác, vaccine COVID-19 cũng có thể gây phản ứng sau tiêm, nữ tình nguyện viên này cũng hiểu về các phản ứng hay tai biến có thể gặp phải nên không lo lắng.
“Theo thông tin 40 tình nguyện viên đầu tiên sau tiêm đều có sức khỏe ổn định nên tôi cũng cảm thấy yên tâm, tâm lý khi tham gia thử nghiệm khá thoải mái. Tôi đăng ký tham gia vì rất muốn biết trải nghiệm trong quy trình nghiên cứu vaccine ra sao”, cô chia sẻ.
PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 75 mcg đều là nữ, độ tuổi từ 20-22.
Theo ông, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, việc lựa chọn tình nguyện viên rất khắt khe, trải qua nhiều lần xét tuyển chặt chẽ. Nếu tình nguyện viên từng có phản ứng, dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa… đều không đủ điều kiện.

Nữ tình nguyện viên yên tâm, thoải mái khi tham gia thử nghiệm. Ảnh: PV
Nữ tình nguyện viên yên tâm, thoải mái khi tham gia thử nghiệm. Ảnh: PV
Hiện tại dù đã có hơn 500 người đăng ký nhưng mới có hơn 200 người đến khám sàng lọc và trong số này mới chọn được 51 người tham gia giai đoạn 1. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục lọc hồ sơ để đủ 60-65 người.
“Giai đoạn 1 để xác định tính an toàn của vaccine nên cần rất chặt chẽ, ở giai đoạn 2, 3, tiêu chuẩn tình nguyện viên sẽ mở rộng hơn”, PGS Mến nói.
Thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn thành 50%
Chia sẻ thông tin về 40 tình nguyện viên tiêm vaccine Nano Covax liều 25mcg và 50mcg, PGS Mến cho hay hiện sức khỏe của họ đều ổn định. Các phản ứng sau tiêm chỉ đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ nhưng đều hết sau 24 giờ. Nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y vẫn giữ liên lạc thường xuyên và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu bất thường.
Dự kiến ngày 15-16.1, nhóm tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 25mcg sẽ tiếp tục tiêm mũi 2.
PGS Mến đánh giá, đến nay nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 đã hoàn thành 50%. Công ty Nanogen hoàn thành sản xuất vaccine Nano Covax trong thời gian 6 tháng và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 17.12 vừa qua.
Trong giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine và dò tìm liều tối ưu trên 60 tình nguyện viên, chia 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Khi được nửa chặng đường, nhóm nghiên cứu sẽ gối tiếp giai đoạn 2 thêm 4 tháng, sau đó sang giai đoạn 3 kéo dài 6 tháng trên nhóm mẫu 10.000 – 30.000 tình nguyện viên.
Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của loại vaccine này trước khi quyết định tiêm cộng đồng.

Vaccine Nano Covax là loại vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: ĐVCC
Vaccine Nano Covax là loại vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: ĐVCC
Trước đó, chia sẻ với phóng viên Lao Động, ông Hồ Nhân - Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học dược NANOGEN - cho biết: Nhận thấy, SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, từ đó, Nanogen quyết định nghiên cứu vaccine theo chủng thông dụng, nếu sau này virus có biến thể thành chủng nào thì vaccine của Nanogen cũng có thể tạo ra một loại kháng thể có khả năng thích ứng được. Chỉ cần tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ trước các chủng virus khác nhau của SARS-CoV-2.
"Giống như cúm mùa, chúng ta không thể hy vọng với 2 mũi tiêm, cách nhau 6 tháng mà có thể bảo vệ được mãi mãi, mà chúng ta phải sử dụng vaccine hàng năm. Chúng tôi có đưa ra phương án làm ra những loại vaccine dạng khác như xịt mũi, nhỏ mắt dành cho những đối tượng không tiêm được vaccine như có bệnh nền, bị ốm..."- ông Hồ Nhân cho hay.
Ngày 21.1 tới, dự kiến vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai của Việt Nam.
THÙY LINH (LĐO)

https://laodong.vn/y-te/mui-vaccine-covid-19-nano-covax-lieu-cao-nhat-da-duoc-tiem-thu-nghiem-870133.ldo

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.