Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong hai tháng (từ kỳ điều hành giá xăng, dầu đầu năm 2022 ngày 11/1 đến ngày 11/3), đã có 6 kỳ điều hành đều tăng giá. Giá xăng, dầu các loại tăng từ 4.625 đến 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại), trong đó giá xăng tăng 27% so đầu năm và tăng 50% so bình quân năm 2021. Xăng, dầu tăng giá mạnh đã gây áp lực rất lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách trên cả nước.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (Ron 95 là 4.000 đồng); ước tính, bình quân thuế, phí chiếm khoảng 42 đến 43% đối với xăng và 21 đến 27% với dầu.

Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải, bình quân 35 đến 50% tùy theo phương thức vận tải và giá nhiên liệu đầu vào. Hoạt động vận tải đường bộ là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu, đối với mức tăng giá xăng, dầu hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm từ 40 đến 45%. Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát khá tốt, các hoạt động kinh tế-xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên các doanh nghiệp cần nhiều thời gian hơn mới khắc phục được tổn thất, khôi phục hoạt động kinh doanh.

Kết quả khảo sát hai tháng 2 và 3 vừa qua, ứng với mức tăng giá xăng, dầu và kết hợp ảnh hưởng dịch Covid-19, có tới 80 đến 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định kê khai điều chỉnh tăng giá cước 10 đến 15% để bù đắp chi phí nhiên liệu. Ở lĩnh vực hàng không, theo báo cáo của các hãng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 đến 42% tổng chi phí chuyến bay; giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua, khi giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá xăng máy bay Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao. Hiện nay, các hãng đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa, mỗi ngày 700 đến 800 chuyến bay; khôi phục đường bay đến hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thị trường quốc tế, tuy nhiên sản lượng hành khách quốc tế giảm 72 đến 80% so năm 2019 (trước khi dịch bùng phát), phải cần một thời gian dài mới có thể phục hồi.

Các hãng hàng không năm nay vẫn đứng trước khó khăn lớn do tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận chủ yếu đến từ thị trường quốc tế. Nhà nước đang triển khai các giải pháp tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của tăng giá xăng, dầu và từ dịch Covid-19, như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022, cho phép giảm từ 700 đến 2.000 đồng/lít tùy loại, đồng thời sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để điều tiết giá xăng phù hợp diễn biến của thị trường. Mặt khác, triển khai các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; miễn, giảm một số loại thuế, phí,…

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn, tạo tiền đề phục hồi và phát triển trong tương lai, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Bộ Tài chính xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra, vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngành hàng không cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan nhằm hỗ trợ các hãng.

Theo đó, giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong năm 2022. Các địa phương xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng,...

Theo XÍCH TÙNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).