Từ "kho báu" dược liệu Tây Nguyên…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi quen thân lương y Nguyễn Đức Nghĩa từ hồi còn làm phóng viên chuyên trách mảng y tế cho một tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh, cách đây chừng 20 năm.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa là học trò xuất sắc nhất của GS.TS Đỗ Tất Lợi (1919-2008) - nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng, “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật vào năm 1996 và công trình giá trị nhất của ông để lại cho ngành y học nước nhà chính là bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã tái bản đến 11 lần.

Nhờ anh Nghĩa và bạn bè anh mà tôi biết hóa ra là có rất nhiều người quan tâm đến việc bảo tồn nguồn gen dược liệu của Tây Nguyên, dù họ không sinh sống ở vùng này. Tây Nguyên có nhiều nguồn gen dược liệu quý. Quý ở sự phong phú, ở năng suất, rồi cả sự hơn hẳn về chất lượng dược tính khi so với cùng loại cây dược liệu ấy trồng ở những vùng miền khác. Rồi có những loài nếu không bảo tồn thì nguy cơ tuyệt chủng là trong tầm tay.

Tôi từng có những ngày lang thang trên vùng rừng M’Drắk, để biết vì sao giới săn lùng dược liệu lại hay chọn mua những loại dược liệu như riềng rừng, cốt toái bổ, hoàng đắng, củ bình vôi, thiên niên kiện… ở các vùng đất Krông Á, Ea M’đoal, Ea Trang, Ea H’mlay; rồi lại săn lùng hồng đẳng sâm, ngũ gia bì chân chim, kê huyết đằng… trên hệ thống núi Chư Yang Sin thuộc địa bàn huyện Krông Bông hay Lắk; rồi nhân trần ở huyện Buôn Đôn…

 

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (thứ hai từ trái sang) giới thiệu với đoàn du khách về những củ đinh lăng trồng tại Việt Nam.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (thứ hai từ trái sang) giới thiệu với đoàn du khách về những củ đinh lăng trồng tại Việt Nam.


Vài năm trước, khi đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) công tác, tôi có dịp tiếp cận với công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ với đề tài “Điều tra, nghiên cứu các cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc dân tộc tại Tây Nguyên và đề xuất các biện pháp bảo tồn” do Viện chủ trì thực hiện, TS.Nguyễn Văn Dư làm Chủ nhiệm. Có thể dẫn một việc cụ thể như: từ chỗ các tài liệu về cây thuốc và dược liệu của các tác giả Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi ghi nhận Tây Nguyên có 872 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thì công trình này đã bổ sung thêm 50 loài cây, trong đó có một loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam ở mức độ nguy cấp. Chưa kể, nhóm các nhà khoa học này còn khẳng định các loài cây thuốc có ở Tây Nguyên, với 6 ngành thực vật bậc cao có mạch, thì số lượng còn cao hơn đấy nhiều lần. Nhóm các nhà khoa học ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng đã thu thập được tới 362 bài thuốc của các dân tộc Ba Na, Cil, Cho Ro, Chu Ru, Dẻ, J’rai, K’Ho, Lào, M’nông, Mạ, Tày.

Nhớ hôm ghé làng Thái (xã Ea Kuếh, huyện Cư M’gar) cùng nhóm bạn thăm vườn dược liệu của ông Lô Quốc Hợi (hội viên Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk), thấy ông đã đưa được nhiều loài cây thuốc quý về trồng không chỉ trong vườn mà ở cả các bờ rào, góc sân, thậm chí cả trên mái nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi về một hướng đi mới của nguồn dược liệu ở Tây Nguyên.

Một thời nguồn dược liệu ở Tây Nguyên từng bị khai thác theo kiểu tận diệt. Của rừng mà, mạnh ai nấy nhặt. Nhưng bây giờ sẽ khác, khi có những người như ông Hợi đang miệt mài lưu giữ các nguồn gen dược liệu, lưu giữ nhưng vẫn tạo được thu nhập để sinh sống. Đó mới là kế sách bền vững.

Đáng mừng là ngày càng có nhiều người như ông Lô Quốc Hợi, tại Đắk Lắk bây giờ có nhiều người đầu tư vào trồng cây thuốc như một cách chuyển đổi cây trồng. Chẳng hạn ở buôn K’Diê 2 của xã Đắk Nuê (huyện Lắk), cây hoài sơn đang thay thế dần những cây hoa màu kém hiệu quả, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt khi trên đất bạc màu vẫn có thể mang lại thu nhập 40-50 triệu đồng/ha/năm. Còn có cả những doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu hẳn hoi như Công ty Cổ phần Nicotex với cây hà thủ ô tại huyện Krông Năng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm với cây đinh lăng, hòe, ý dĩ tại huyện Cư M’gar; Công ty Cổ phần đầu tư Long Thành với đẳng sâm, ích mẫu, đương quy Nhật Bản trên đất Ea Súp…

Thế thì phải nghĩ tới chuyện tương lai của một nền công nghiệp dược liệu ở vùng Tây Nguyên, sẽ không là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà là quy mô công nghiệp, là khép kín, là sản phẩm có thương hiệu hẳn hoi. Cũng từ đấy mà nghĩ đến những tour tuyến du lịch đến Tây Nguyên không chỉ để nhìn ngắm non nước mây trời, mà còn là ăn, uống, tắm, nghỉ dưỡng theo những cách điệu nghệ của y học cổ truyền...

https://baodaklak.vn/xa-hoi/202109/tu-kho-bau-duoc-lieu-tay-nguyen-975703f/
 

Theo Lương Duy Cường (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).