Ngăn chặn lạm thu đầu năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 4 năm trước, khi việc lạm thu ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị đưa lên mặt báo, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phải triệu tập gấp một cuộc họp để tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này với sự tham gia của lãnh đạo các Phòng GD-ĐT và nhiều trường. Theo một bài báo tường thuật lại cuộc họp này, Giám đốc Sở GD-ĐT khi đó là ông Phạm Ngọc Thạch đã phát biểu đầy tâm tư: “Tôi đi họp HĐND tỉnh, đại biểu họ “chửi” tôi ghê lắm. Họ nói là các ông nhà giáo bây giờ cứ nhặt được cái gì là nhặt, ôm được cái gì là ôm, không tha không thả cái gì. Tôi xấu hổ lắm. Mà các đồng chí ở đây nghe thấy có buồn không chứ riêng tôi thì thấy người ta nói đúng. Vì trường nào cũng thu tiền rất nhiều, nhiều khoản thu không chấp nhận được!”.
Có lẽ chưa khi nào và chưa ở đâu, người đứng đầu ngành GD-ĐT một địa phương lại dũng cảm thừa nhận về nạn lạm thu trong trường học như ông Phạm Ngọc Thạch, dù tình trạng này xảy ra ở khắp cả nước. Nhưng biết rõ việc lạm thu là một chuyện, ngăn chặn được tình trạng đáng buồn, đáng xấu hổ này hay không lại là một chuyện khác. Bằng chứng là đầu năm học nào, ngành GD-ĐT từ Trung ương đến địa phương cũng đều có văn bản chỉ đạo các trường học không được lạm thu, khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng. Ngay như ở tỉnh ta, hầu như năm nào cũng có chuyện phụ huynh “tố” nhà trường lạm thu. Khi ngành chức năng vào cuộc làm rõ, nhiều cán bộ, giáo viên đã bị kỷ luật; nhiều trường phải trả lại tiền lạm thu cho phụ huynh học sinh.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu trong trường học? Trước hết, nó xuất phát từ những ban giám hiệu nhà trường, những thầy-cô giáo thiếu sự liêm chính. Bởi lẽ, các khoản được phép thu trong nhà trường đều đã được ngành GD-ĐT và chính quyền các địa phương quy định rất rõ mà ban giám hiệu các trường và giáo viên không thể không biết. Nhưng một số lãnh đạo nhà trường và giáo viên vẫn cố tình đặt ra những khoản thu trời ơi đất hỡi như: tiền làm sân trường, tiền bảo dưỡng máy vi tính, tiền trang trí trường lớp, tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh… Những khoản thu trái quy định này đều được “khoác bình phong” là “phụ huynh tự nguyện”, là “xã hội hóa giáo dục”.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lạm thu là sự “đồng lõa” của chính phụ huynh, cụ thể là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây là tổ chức được hình thành mỗi năm học để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vì muốn tạo quan hệ tốt với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm để con mình được ưu ái, các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh đã biến thành “cánh tay nối dài” tiếp sức cho nhà trường trong việc phụ thu trái quy định. Hoặc nhiều phụ huynh vì tâm lý “qua sông phải lụy đò” nên cũng đành tặc lưỡi chấp nhận các khoản thu mà nhà trường gợi ý dù biết đó là sai quy định.
Để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học cũng không thể không nói đến trách nhiệm của chính cơ quan quản lý ngành GD-ĐT, ở đây là sự lỏng lẻo, thiếu sâu sát trong công tác quản lý, thanh-kiểm tra. Trong thực tế, hầu hết những trường hợp lạm thu bị phát hiện đều do phụ huynh tố cáo, báo chí phanh phui chứ không phải do chính cơ quan quản lý ngành phát hiện qua hoạt động thanh-kiểm tra. Dường như ở nhiều nơi, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT quan niệm trách nhiệm của họ chỉ là ra văn bản chỉ đạo các trường không được lạm thu, còn thực hiện thế nào là chuyện của các trường.
Tình trạng lạm thu mỗi đầu năm học không chỉ khiến nhiều phụ huynh thêm gánh nặng kinh tế, gây bức xúc dư luận xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh. Để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này, tại Công văn số 3421/BGDĐT-VP ngày 8-8-2019 gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý các sở “hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học”. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các trường học cam kết không thu các khoản ngoài học phí trái quy định; có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).