Ia Mơr: Ngày ấy, bây giờ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịp cuối năm, tôi có 2 ngày rong ruổi trên tuyến đường tuần tra biên giới và thăm một số đồn Biên phòng, trong đó có Đồn Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Một đêm ở lại cùng cán bộ, chiến sĩ nơi đây, trong tôi dậy lên những kỷ niệm cách đây hơn 25 năm…

Đồn Ia Mơr ngày ấy…


Cuối năm 1994, tôi theo chân Đại tá Đỗ Văn Boong-Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lên dự và đưa tin Đại hội chi bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr. Trên chiếc xe U oát phủ bạt bít bùng là lỉnh kỉnh hàng hóa từ xăng dầu đến mì tôm, cá khô, xà phòng, bột ngọt… Hỏi anh tài xế được biết, lâu lâu mới có chuyến ô tô từ Bộ Chỉ huy lên đồn nên thủ trưởng cho phép tranh thủ “tiếp phẩm” cho anh em.

Qua khỏi thị trấn Chư Prông, xe chúng tôi gần như luồn trong những cánh rừng khộp tít tắp, thâm u. Hai bên lối mòn, cỏ đuôi chồn mọc lút đầu người. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại “giải quyết” những thân cây ngã chắn qua đường để lấy lối đi. Là phóng viên mới nên tôi vừa tò mò, thích thú, vừa vô cùng ngán ngại. Sau một buổi quăng quật với con đường, tối nhọ mặt người chúng tôi mới đặt chân tới đồn. Đồn trưởng khi ấy là Đại úy Ngô Quang Ánh vỗ vai tôi bảo: “Chắc nhà báo đã hiểu được nỗi khổ của cánh lính Biên phòng rồi chứ!”.

 Chiến sĩ đồn Biên phòng Ia Mơr tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đ.T
Chiến sĩ đồn Biên phòng Ia Mơr tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đ.T



Tối đó, tôi ăn bữa cơm đầu tiên ở đồn Biên phòng trong ánh đèn dầu leo lét và chênh chao trong tiếng vọng của rừng sâu. Lạ thật, chỉ có cá khô và rau tăng gia nhưng cảm thấy ngon miệng vô cùng. Cũng đúng thôi, những năm ấy, cả nước còn đang rất khổ, huống chi người lính ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Theo Đại úy Ngô Quang Ánh, Đồn Biên phòng Ia Mơr khi ấy nằm trong “top” khổ nhất của cả tỉnh: không điện, không nước sạch, giao thông đi lại khó khăn, bệnh tật… Đặc biệt, nguồn nước vùng này nhiễm phèn và vôi nên không thể sử dụng để ăn uống. Vì vậy, đơn vị phải đầu tư xây bể ngầm để trữ nước mưa sinh hoạt trong năm. Chắt chiu từng giọt nhưng số nước tích trữ vẫn không đủ phục vụ sinh hoạt trong mùa khô. Hồi ấy, bệnh sốt rét là thử thách hàng đầu của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Đã công tác ở vùng này thì ít nhất một lần đối mặt với sốt rét. Hết sốt rét thì viêm thận, viêm đường ruột do nguồn nước bị nhiễm phèn và vôi. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính điều kiện gian khổ đó đã tôi luyện người lính Biên phòng ngày càng trưởng thành trong nắng gió vùng biên.

Điểm sáng về công tác dân vận

Không chỉ thay đổi về tên gọi, vị trí đóng quân của Đồn Biên phòng Ia Mơr hiện nay cũng được di chuyển ra gần đường biên, vị trí cũ bây giờ là Cụm cơ động chó nghiệp vụ 3 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng). Khác hẳn so với trước đây, đường đến Đồn Biên phòng Ia Mơr phẳng phiu và rất đẹp. Dọc đường là những khu dân cư trù phú của đồng bào Jrai và các dân tộc phía Bắc di cư đến đây làm ăn sinh sống. Đặc biệt, trên địa bàn có công trình thủy lợi Ia Mơr có khả năng cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân và phục vụ tưới cho hàng chục ngàn héc ta cây trồng. Sau khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, địa bàn quản lý của Đồn sẽ là vùng trọng điểm nông nghiệp của huyện Chư Prông nói riêng, cả tỉnh nói chung.

Từ ngày di chuyển sang vị trí đóng quân mới, khuôn viên doanh trại được quy hoạch và chăm sóc rất bài bản. Điều kiện công tác, sinh hoạt và học tập cũng thuận lợi hơn. Cùng với công tác tuần tra bảo vệ an ninh biên giới, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơr-cho biết, những năm qua, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác vận động quần chúng. Theo Thiếu tá Giang, Đồn Biên phòng Ia Mơr được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đánh giá là một trong những điểm sáng về công tác vận động quần chúng. Đi đầu trong công tác này có lẽ là Thượng úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Chính anh và đồng đội luôn thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương) với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ các anh mà bà con dân làng đã biết cách canh tác lúa nước, mì, điều… để xóa đói giảm nghèo và vươn lên khá giả.

Tuy đạt được rất nhiều thành tích trong công tác vận động quần chúng, song trong câu chuyện với chúng tôi, cả Thượng úy Rơ Ô Thuy lẫn Thiếu tá Nguyễn Trường Giang đều cùng chung nỗi trăn trở là làm thế nào để không còn hộ nghèo, để cuộc sống người dân tiếp tục được cải thiện hơn nữa. Bởi hơn ai hết, những người lính Biên phòng Ia Mơr hiểu rằng người dân chính là “cột mốc sống” trấn giữ nơi biên cương Tổ quốc. Và, họ cũng hiểu vì sao tên gọi của đơn vị gắn liền với địa danh Ia Mơr.

 

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.