Đêm Giao thừa năm ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm 1981, công trình thủy lợi Đak Hnir (xã Krong, huyện Kbang) bị mưa lớn làm lấp một đoạn kênh mương. Phòng Nông nghiệp điều tôi đến công trường gấp để nạo vét, đưa nước ra cánh đồng cho kịp vụ cấy. Tôi nhận nhiệm vụ lên đường vào sáng 20 tháng Chạp.
Theo kế hoạch, nếu xã đã huy động nhân công thi công thì nhiều lắm cũng chỉ mươi ngày là xong, sau đó tôi lại về An Khê để kịp đón Giao thừa. Không ngờ, khi vào đến nơi, gặp anh HLan-khi ấy là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Krong, tôi hỏi anh đã chuẩn bị nhân công tới đâu rồi thì nhận được câu trả lời: “Chờ cán bộ xuống mới đi huy động chớ, biết có, biết không mà huy động trước?”. Sáng hôm sau, tôi lội ra công trình, nhìn đoạn kênh mương bị lấp khá dài, đất đá ngổn ngang rồi ước tính: nếu huy động được 50 nhân công thì phải mất ít nhất là nửa tháng mới làm xong. Vậy là không thể kịp về An Khê đón Giao thừa, ăn Tết! Qua hơn một tuần lặn lội đo, ghi, làm xong các cao trình kỹ thuật từng đoạn, tôi lân la hỏi thì anh H'Lan lại nói tỉnh queo: “4 ngày nữa có người làm đấy!”. Tôi lại chờ và chờ…
Chiều 30 tháng Chạp, lòng dạ tôi bắt đầu bồn chồn, nhớ nhà da diết. Chân rảo bước xuống làng cho khuây khỏa, tôi muốn tìm chút gì đó của hương vị ngày Tết nhưng tuyệt nhiên không thấy, chỉ có tiếng con chim chuông buông từng hồi trên cánh rừng rời rạc và vài tiếng chim heo kêu eng éc. Tôi lội ra rìa làng dạo một vòng thì bắt gặp những lùm mai bung cánh vàng rực. Lòng mừng vô kể, nhủ thầm, dẫu gì cũng có sắc hoa ngày Tết. Bỗng có tiếng cồng chiêng vọng lên từ phía UBND xã. Tôi vội vã ôm mấy cành mai về nhà thì được anh H'Lan cho hay: “Đêm nay các làng tập trung mừng năm mới và liên hoan để sáng mai ra quân. Heo, bò đã chuẩn bị sẵn, ta đến đó đi, vui lắm!”. Hóa ra tất cả mọi việc vị Bí thư này đã lo trước mà tôi nào có biết.
Đến nơi, trước mắt tôi là cây cột Klao dựng ngay trước sân hội trường UBND xã. Rượu ghè cũng đã cột vào cọc thẳng hàng. Mùi thịt nướng bay lên thơm phức cả một góc rừng. Tiếng chiêng cồng rộn rã, dồn dập. Tôi vào thẳng hội trường của xã. Gọi là hội trường nhưng thật ra đó chỉ là ngôi nhà lợp tranh. Một nhóm thanh niên đã trang trí hội trường từ chiều, bên vách đầu nhà treo lá cờ Tổ quốc và ảnh Bác, 2 chiếc ghè to bên cạnh cắm tất cả các loại hoa rừng, nổi bật là cành mai vàng. Giữa nhà là một bếp lửa sáng rực.
Trời về khuya, dưới những tán cổ thụ che cả một khoảng sân rộng trước hội trường, đoàn người tập trung chật ních. Đống lửa giữa sân càng cháy mạnh, vẻ hừng hực của lửa, tiếng lép bép của củi hòa cùng tiếng chiêng cồng rộn rã. Đoàn người nối vòng tay nhau múa xoang theo nhịp trống, nhịp chiêng. Ánh lửa hắt lên soi rõ những khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ.
Bỗng từ phía hiên nhà, anh H'Lan nói vọng ra: “Im lặng, im lặng! đã đến giờ nghe Chủ tịch Hội đồng Nhà nước chúc Tết. Bà con im lặng”. Không khí bỗng dưng im bặt, chỉ còn nghe tiếng lửa khua hừng hực. Anh H'Lan bật công tắc chiếc đài của Liên Xô, tiếng “rọt rẹt” vọng ra. “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Sau tiếng nhạc hiệu, mọi người từ từ tiến đến xung quanh chiếc radio, im lặng lắng nghe. Lời chúc Tết của đồng chí Trường Chinh-Chủ tịch Hội đồng Nhà nước-bắt đầu vang vang từ chiếc đài. Anh H'Lan đưa chiếc đài lên cao hơn đầu để mọi người được nghe rõ. Vừa hết lời chúc Tết, âm thanh bỗng nhỏ dần rồi tắt ngấm. Mọi người đứng xung quanh hết ngỡ ngàng lại chần chừ chờ đợi. Anh H'Lan một tay giữ chiếc radio, tay kia vỗ vỗ vào nhưng chẳng xử lý được sự cố. Anh lại nói lớn: “Đồng chí Trường Chinh chúc Tết xong rồi, bà con giải tán, vui chơi nhưng phải nhớ là sáng mai ra quân vét mương đấy nhé”. Tất cả đồng thanh vỗ tay, tiếng cồng chiêng lại trổi lên bập bùng theo ánh lửa. Anh H'Lan dắt tay tôi đi dạo từng hàng rượu của các làng, mọi người mời tôi cang rượu đầu năm thật ấm áp, nghĩa tình. Hôm sau, ngày ra quân, với hơn 400 người góp sức, chỉ trong 3 ngày công trình đã hoàn thành. Tôi trở lại An Khê đúng vào chiều mùng 4 Tết.
Gần đây, tôi có dịp trở lại Krong-nơi cách đây gần 40 năm đã diễn ra một cái Tết thật ý nghĩa với cuộc đời mình. Khu trung tâm xã nay đã xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Dừng chân tại đây, trong tôi miên man suy nghĩ: Nếu không có chuyến công tác ngày ấy, làm sao tôi có thể biết rằng giữa rừng già lại có một cái Tết nhiều niềm vui đến vậy.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.