Nước sạch về vùng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Niềm vui đến với hơn 300 hộ dân buôn Ma Giai và Ia Rpua (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) khi công trình cấp nước sinh hoạt vừa được đưa vào sử dụng. Giờ đây, bà con các buôn không còn chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô.
Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai được triển khai từ tháng 2-2021 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Cộng đồng phòng-chống thiên tai có trụ sở tại TP. Đà Nẵng tài trợ 3 tỷ đồng, còn lại địa phương đối ứng. Công trình gồm các hạng mục: 3 giếng khoan, hệ thống điện, bể lọc, khu xử lý nước, 2 bể chứa có dung tích 40 m3 và đường ống dẫn nước đến tận nhà dân với chiều dài hơn 5 km, cụm đồng hồ gia đình phục vụ cho hơn 300 hộ dân buôn Ma Giai và Ia Rpua. Chất lượng nước đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Đầu tháng 8-2021, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng-cho biết: Buôn Ma Giai và Ia Rpua có hơn 300 hô dân, với 98% đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn về nước sinh hoạt. Trước đây, cứ vào mùa khô, người dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, bởi trong buôn chỉ có vài hộ đào được giếng, còn lại sử dụng nguồn nước ít ỏi từ các con suối nhỏ. Hàng năm, UBND xã phải hỗ trợ người dân đào các hố dưới lòng suối để tìm nguồn nước cho gia súc uống và phải dùng xe để chở nước sinh hoạt cung cấp cho bà con. “Giờ có công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt, người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm bệnh tật và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-ông Khiết thông tin thêm.
Buôn Ma Giai có 160 hộ dân với 720 khẩu. Chia sẻ về cái thời thiếu nước sinh hoạt, ông La O Loang nói: Vào mùa khô, để có nước uống và nấu ăn người dân phải mua nước bình hoặc đi lấy nước ở khe suối rất xa. Nhiều nhà còn tranh thủ đi lấy nước từ sáng sớm tinh mơ và phải hứng từng giọt nước. Để lấy được khoảng 10-20 lít nước về sinh hoạt thì có khi phải chờ mất cả buổi. Còn chuyện tắm giặt thì tranh thủ khi đi làm rẫy. “Giờ có nước sạch về đến tận nhà rồi, chúng tôi rất mừng. Người dân đã không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư đưa nước sạch về cho bà con sử dụng”-ông Loang vui mừng trải lòng.
Đoàn công tác huyện Krông Pa kiểm tra hệ thống cấp nước sạch tại xã Đất Bằng. Ảnh: Lê Nam
Đoàn công tác huyện Krông Pa kiểm tra hệ thống cấp nước sạch tại xã Đất Bằng. Ảnh: Lê Nam
Cùng chung niềm vui này, ông La O Á-Bí thư Chi bộ buôn Ma Giai-cho hay: “Đầu năm 2021, khi biết công trình nước sạch được triển khai đầu tư, bà con trong buôn ai cũng vui mừng và trông chờ từng ngày để có nước sạch về. Giờ đây, có nước đến tận nhà giúp người dân sử dụng, có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai được bàn giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông thôn Đất Bằng quản lý. Ông Phan Mạnh Hiếu-Giám đốc Hợp tác xã-thông tin: “Hiện tại, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống ống dẫn nước đến toàn bộ nhà dân tại buôn Ma Giai. Còn buôn Ia Rpua thì mới lắp đặt hệ thống ống chính, bồn chứa nước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống ống nhánh để sớm đưa nước đến từng hộ dân trong buôn”.
Trao đổi với P.V, ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện-khẳng định: Việc đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân vùng căn cứ cách mạng buôn Ma Giai và Ia Rpua là hết sức cần thiết nhằm giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Qua kiểm tra cho thấy, công trình phát huy tốt, nguồn nước đảm bảo vệ sinh và đủ cung cấp phục vụ bà con.
“Để công trình phát huy hiệu quả, huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và đơn vị sử dụng tiếp tục quản lý khai thác tốt để phục vụ nguồn nước cho người dân. Đồng thời, cũng cần tính toán giá nước hợp lý để vừa phục vụ người dân và góp một phần kinh phí trả tiền điện cũng như duy tu, bảo dưỡng công trình, tránh hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt, xã Đất Bằng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân buôn Ma Giai và Ia Rpua sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích để tất cả các hộ có đủ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ công trình nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội”-Bí thư Huyện ủy Krông Pa nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.