Chư Sê: Hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã quan tâm giúp đỡ hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên ngày càng được nâng cao.

Bà Võ Thị Hồng Gấm-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Blang-cho biết: Hội LHPN xã hiện có 13 chi hội với 1.891 hội viên. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội đã vận động chị em chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời giới thiệu các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để hội viên vay vốn khởi nghiệp. Nhờ sự năng động, nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định.


 Chị Tạ Thị Năm (thôn 6, xã Ia Blang) chăm sóc măng tây.  Ảnh: T.B
Chị Tạ Thị Năm (thôn 6, xã Ia Blang) chăm sóc măng tây. Ảnh: T.B

Tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Lan Hương ở thôn Phú Hòa. Trước đây, kinh tế gia đình chị Hương phụ thuộc vào cây hồ tiêu. Thời gian gần đây, vườn hồ tiêu chết do dịch bệnh nên cuộc sống rơi vào cảnh khốn khó. Tháng 7-2018, chị Hương bàn với gia đình mua 7 con dê giống về nuôi. 5 tháng sau, dê bắt đầu sinh sản, mỗi lứa 2-3 con. Thấy dê dễ nuôi, có sức đề kháng cao, thức ăn cũng dễ kiếm nên chị Hương đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025” qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã Ia Blang để mua thêm 10 con dê sinh sản về nuôi. Có nguồn thức ăn dồi dào, thường xuyên được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn dê sinh sản nhanh. Hiện tại, đàn dê đã tăng lên 40 con, mỗi tháng gia đình chị Hương xuất bán 2-4 con dê giống, 3-5 con dê thịt với giá 130.000 đồng/kg dê giống, 120.000 đồng/kg dê thịt. “Trước đây, thịt dê có giá chỉ 70.000-80.000 đồng/kg; thời gian gần đây giá tăng cao nên gia đình có nguồn thu ổn định. Ngoài ra, phân dê dùng bón cho cây trồng cũng rất tốt”-chị Hương tâm sự.

Bà Rah Lan H'Thanh-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê: “Để được vay vốn từ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025”, hội viên phải có kế hoạch, ý tưởng khởi nghiệp cụ thể, những dự án khả thi sẽ được tạo điều kiện ngay. Toàn huyện có 5 dự án được vay vốn từ đề án này thì xã Ia Blang có đến 3 đề án, trong đó, vườn măng tây của hội viên Tạ Thị Năm là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự mạnh dạn trong vay vốn, tự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế... đã giúp hội viên, phụ nữ xã Ia Blang gắn kết với nhau hơn; hoạt động phong trào của Hội cũng trở nên sôi nổi hơn”.


Chị Tạ Thị Năm (thôn 6) cũng là một trong những hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công với thu nhập 700.000-900.000 đồng/ngày nhờ vườn măng tây cho năng suất cao. Cách đây 1 năm, qua tìm hiểu, biết cây măng tây có giá trị dinh dưỡng cao mà ở địa phương chưa có ai trồng, chị Năm đã đầu tư 20 triệu đồng để trồng 1,4 sào măng tây sau vườn nhà. Chị cho hay: “Lúc đầu, tôi cũng hơi lo lắng vì trên địa bàn xã chưa có ai trồng loại cây này, nhưng sau đó tự tin hơn khi thấy cây phát triển nhanh, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ 6 tháng, cho nguồn thu ổn định”. Cây măng tây cho thu hoạch quanh năm. Trung bình mỗi ngày chị thu khoảng 15 kg măng tây, giá bán 80.000-100.000 đồng/kg (loại 1), 60.000-80.000 đồng/kg (loại 2). Riêng gốc măng tây thừa, chị Năm phơi khô để pha trà uống, rất tốt cho sức khỏe. Biết đến đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025” do Hội LHPN xã giới thiệu, chị đã vay 50 triệu đồng để trồng thêm 2 sào măng tây. “Hiện tại, tôi đang cung cấp măng tây cho các siêu thị, chợ, nhà hàng trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Tôi cũng đang kết nối với các hộ khác để thành lập hợp tác xã trồng măng tây trong thời gian tới”-chị Năm cho biết thêm.

Mô hình nuôi dê của chị Nguyễn Thị Lan Hương cho thu nhập ổn định. Ảnh: Thủy Bình
Mô hình nuôi dê của chị Nguyễn Thị Lan Hương cho thu nhập ổn định. Ảnh: Thủy Bình

Từ mô hình khả quan này, Hội LHPN xã Ia Blang đã kết nối, giới thiệu cho hội viên trên địa bàn xã tham quan, học tập, qua đó có 1 hội viên tại thôn 6 đã quyết định chuyển đổi từ cây hồ tiêu sang trồng 1,5 sào măng tây. Dù chỉ mới xuống giống được gần 2 tháng nay nhưng chị Nguyễn Thị Ý Nhi cảm thấy khá an tâm. “Được chị Năm giới thiệu và hướng dẫn cách cải tạo đất, cách xuống giống và chăm sóc, vườn măng tây đang phát triển xanh tốt. Khâu đầu ra sản phẩm sẽ được chị Năm hỗ trợ, giới thiệu với những mối hàng quen biết”-chị Nhi phấn khởi cho hay.

Ngoài nguồn vốn từ đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2025”, hiện nay, Hội LHPN xã Ia Blang đang quản lý 8 tổ vay vốn và tiết kiệm với 9 tỷ đồng từ nguồn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Nguồn vốn này đã giúp 344 hội viên phát triển chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Mặc dù thời gian qua tình hình kinh tế trên địa bàn có nhiều biến động, nhưng nhờ sự đồng hành của Hội LHPN xã, nhiều hội viên đã từng bước ổn định cuộc sống.

 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.