Chàng trai bỏ thu nhập ngàn đô ra ngoài khởi nghiệp với rau má

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng đảm trách chức trưởng phòng công nghệ thông tin của một khách sạn 4 sao nổi tiếng ở TP.Đà Lạt, nhưng Nguyễn Quốc Bảo (36 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định dừng công việc này để khởi nghiệp với rau má.
Nguyễn Quốc Bảo quyết định bỏ việc, khởi nghiệp với rau má Ảnh: HỒNG THANH
Nguyễn Quốc Bảo quyết định bỏ việc, khởi nghiệp với rau má Ảnh: HỒNG THANH

"Khởi nghiệp rất thú vị"

Không chỉ là dân công nghệ thông tin, Bảo còn là “gương mặt thân quen” trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage, tạm dịch kinh doanh dịch vụ ăn uống - PV) với vai trò quảng bá cho các thương hiệu, thế nên khi Bảo quyết định nghỉ việc đã khiến bạn bè, người thân bất ngờ.
“Khởi nghiệp đã và đang là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mình không muốn lạc lõng, phải đứng ngoài cuộc của xu thế này, nên mình quyết định khởi nghiệp”, Bảo cho hay.
Lý giải về lựa chọn rau má để kinh doanh, Bảo cho biết: “Rau má có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, tốt cho hệ tim mạch, da, hệ thần kinh, cải thiện trí nhớ… Chưa kể, tại TP.Đà Lạt chưa có ai khởi nghiệp từ loại rau này. Với nhiều “điểm cộng” như thế nên mình quyết định khởi nghiệp với rau má”.
Thời gian đầu, Bảo dành khá nhiều thời gian để rong ruổi khắp các huyện ở Lâm Đồng cũng như các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa… để tìm những loại rau má ngon, nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Cửa hàng khởi nghiệp đầu tiên ở TP.Đà Lạt của Nguyễn Quốc Bảo
Cửa hàng khởi nghiệp đầu tiên ở TP.Đà Lạt của Nguyễn Quốc Bảo
Sau đó, anh tìm đến những khóa học về pha chế, cũng như tranh thủ đọc tài liệu về kinh doanh. Trong thời gian mày mò nghiên cứu, Bảo cho ra đời tiệm rau má pha Ông Chín. Đây là tiệm rau má nguyên chất đầu tiên ở TP.Đà Lạt.
“Mình lấy tên là Ông Chín, vì đây là tên gọi thân thương của ba mình. Khi mình có ý tưởng khởi nghiệp với rau má, ba mình đã ủng hộ, giúp mình rất nhiều”, Bảo cho biết.
Ngoài việc chọn thức uống chủ đạo là rau má, Bảo còn sáng chế thêm nhiều món khác nhau như: rau má nguyên chất pha với đậu xanh và sữa dừa, pha cùng đậu đỏ, kết hợp với kem cheese, hạt sen, sầu riêng, nha đam, dâu, bơ...
Nhắc về những ngày đầu khởi nghiệp, Bảo chia sẻ: “Khởi nghiệp đã giúp bản thân mình năng động hơn. Nhiều khi phải vắt óc suy nghĩ để tháo gỡ một vài vấn đề như làm thế nào để nước rau má nguyên chất thật ngon để mê hoặc được nhiều người uống, hay để thu hút khách trở lại quán lần 2, lần 3 thì cần làm gì. Với mình, khởi nghiệp rất thú vị, và lẽ ra mình nên khởi nghiệp sớm hơn”.
Rau má pha đến nhiều tỉnh thành
Sau thành công bất ngờ với tiệm rau má pha đầu tiên ở TP.Đà Lạt, Bảo quyết định mở rộng, phát triển kinh doanh ở nhiều nơi. Hiện tại, chuỗi “rau má pha Ông Chín” đã có mặt ở Nha Trang, Lâm Đồng.
Tuy nhiên, mong ước của chàng trai này không dừng lại ở đó. “Sau một thời gian kinh doanh, mình đo lường được sự ủng hộ của giới trẻ nói riêng và các thực khách nói chung dành cho thức uống nhiều dưỡng chất này. Sắp tới mình có kế hoạch mở rộng thương hiệu tại Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Đà Nẵng…”, Bảo cho biết.
Bảo cho biết thêm, khi kinh doanh về ăn uống, thì dù là món gì, thức uống nào, cũng sẽ gặp những đối thủ cạnh tranh, chứ không riêng gì rau má. “Nhưng mình sẽ tận dụng kinh nghiệm từng làm công nghệ thông tin, quảng bá thương hiệu... để giúp quán của mình được nhiều người biết đến hơn”, Bảo chia sẻ.
Theo Phạm Hữu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.