Chặn làn sóng hàng nhập giá rẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi cấp thiết hơn việc áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ hàng hóa nội địa.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận dịch bệnh đang khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm, tồn kho tăng ở nhiều quốc gia. Do đó, cần chủ động dự báo khả năng hàng tồn kho do dịch bệnh của các quốc gia có thể tràn vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh, để chuẩn bị các phương án, biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Tăng cường kiện phòng vệ
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương nhận định với thị trường nhỏ như Việt Nam, chỉ cần lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng vài phần trăm là sức ép lên sản xuất trong nước sẽ tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, vài năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới đều gia tăng mạnh mẽ hàng rào bảo hộ với hàng hóa nhập khẩu, khiến cơ hội của hàng Việt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay sẽ "khó càng thêm khó". Thực tế, cách đây ít ngày, Bộ Thương mại Mỹ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút xuất xứ từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Phía nguyên đơn cáo buộc hành vi bán phá giá của Việt Nam với biên độ là hơn 1.000%.
Bộ Công Thương xác định để bảo đảm công bằng và bảo vệ sản xuất trong nước, áp dụng các biện pháp phòng vệ là giải pháp cần thiết, kể cả khi không phải đối mặt với áp lực từ dịch bệnh như hiện nay.
 
Bộ Công Thương đang áp thuế chống bán phá giá một số mặt hàng thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất nội địa. Ảnh: TẤN THẠNH
Từ đầu năm, Việt Nam đã liên tiếp áp dụng các biện pháp tự vệ với hàng loạt sản phẩm nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất. Ngày 20-3, cơ quan chức năng quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc và Indonesia với mức thuế tuyệt đối từ gần 2,9 triệu đồng/tấn đến gần 6,4 triệu đồng/tấn. Sản phẩm tiếp theo bị áp thuế là màng nhựa của Trung Quốc với mức thuế 14,99%-43,04%; màng nhựa của Malaysia là 10,91%-23,05% và của Thái Lan là 20,35%. Một quyết định khác được Bộ Công Thương đưa ra là áp thuế 15,3% với phôi thép nhập khẩu, 9,4% với thép dài và giảm dần tới năm 2023.
Luật sư Lê Thành Kính, Công ty Luật Lê Nguyễn, bày tỏ quan ngại khi hàng hóa trong nước ngày càng khó tiêu thụ, còn hàng hóa nước ngoài lại ngày càng dễ tràn vào thị trường nội địa. Chưa kể, giá cả hàng nhập khẩu có xu hướng rẻ hơn trong khi người tiêu dùng Việt vẫn còn dễ tính nên khó tránh khỏi làn sóng hàng ngoại nhập tràn vào. "Bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước bằng các hàng rào phòng vệ hoặc điều chỉnh các quy định nhập khẩu theo hướng có lợi cho nội địa nhưng không vi phạm cam kết là rất cần thiết lúc này" - luật sư Kính nói.
Nhiều việc cần làm ngay
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương nhấn mạnh nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, nhanh chóng xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" cùng kế hoạch hành động phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp được coi là giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại...
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Luật sư Lê Thành Kính góp ý cần cấp bách đưa ra giải pháp kích thích phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong nước. Bởi lẽ, dù chặn hàng ngoại giá rẻ tràn vào thị trường nội địa nhưng trong nước không sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao và giá cả phù hợp thì người tiêu dùng vẫn ủng hộ hàng nhập.
Dẫn việc gần đây, thịt heo từ Nga, thịt gà, thịt bò từ nhiều quốc gia khác đã khá quen thuộc tại thị trường Việt Nam, luật sư Kính cho rằng nếu không cẩn trọng, ngành sản xuất nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ không chống đỡ được. "Mặc dù người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa thịt nóng hơn nhưng không loại trừ thị hiếu sẽ thay đổi. Nếu doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam, còn doanh nghiệp trong nước không làm được thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Tái cơ cấu các ngành sản xuất, phân bổ khu vực hợp lý, ưu tiên mặt hàng có lợi thế... là những việc cần làm ngay" - ông Kính phân tích và nêu ví dụ nước Nga đã có bài học khi nông sản của châu Âu tràn vào gây tác động tiêu cực nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, khiến họ phải vất vả tìm nhiều giải pháp vực dậy nền nông nghiệp và mất 3-4 năm mới làm được. "Việt Nam cần làm nhanh hơn mới có thể cứu vãn được tình thế" - luật sư Kính đúc kết.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa không phải biện pháp ưu tiên số 1, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Do vậy, bên cạnh giám sát việc thực thi các FTA để tránh gian lận thì quan trọng hơn là tự nâng cao sức cạnh tranh thông qua tái cơ cấu các ngành sản xuất, bảo đảm tiêu chí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. "Doanh nghiệp nước ngoài khi xuất hàng vào Việt Nam cũng nghiên cứu rất kỹ quy định liên quan, nhất là quy định trong các FTA đã ký kết. Do vậy, không dễ để có thể "bắt lỗi" họ trong việc đưa hàng vào Việt Nam. Việc của chúng ta không phải là lăm lăm đánh thuế tự vệ mà là hỗ trợ, đầu tư vào các ngành có thế mạnh để làm ra được những sản phẩm vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu được, cân bằng lại cán cân thương mại. Chú ý, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực" - TS Doanh phân tích. 
Sẵn sàng ứng phó
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Bộ Công Thương đang tích cực triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại theo Quyết định số 316 của Thủ tướng Chính phủ.
"Có thể khẳng định Việt Nam sẵn sàng các kịch bản ứng phó và sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước nếu cần thiết" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Thùy Dương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hyundai Creta: Mẫu SUV cỡ nhỏ dành cho gia đình trẻ và người mua xe lần đầu, giá từ 632 triệu đồng

Hyundai Creta: Mẫu SUV cỡ nhỏ dành cho gia đình trẻ và người mua xe lần đầu, giá từ 632 triệu đồng

(GLO)- Hyundai Creta, mẫu xe SUV cỡ nhỏ, đang là lựa chọn phổ biến tại Việt Nam nhờ thiết kế hiện đại, tiện nghi vượt trội và giá cả hợp lý. Với ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP, Hyundai Creta càng thu hút khách hàng là nhóm gia đình trẻ và người mua xe lần đầu.

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

Peugeot E-408 có thể chạy khoảng 400 km cho mỗi lần sạc, giá trên 1,1 tỷ đồng

(GLO)- Peugeot E-408, phiên bản chạy điện của mẫu SUV lai coupe 408, là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Triển lãm Paris 2024. Dự kiến, đây sẽ là lựa chọn nổi bật trong phân khúc SUV coupe hạng C tại Việt Nam, với thiết kế độc đáo, sang trọng và khả năng vận hành thân thiện môi trường.

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

Honda Winner X: Sức mạnh đột phá, thiết kế thể thao đầy cá tính với giá trên 46 triệu đồng

(GLO)- Honda Winner X là mẫu xe côn tay thể thao mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu năng mạnh mẽ và thiết kế hiện đại. Chiếc xe có những cải tiến vượt bậc cả về công nghệ và kiểu dáng, Winner X nghiễm nhiên trở thành lựa chọn hàng đầu của giới trẻ đam mê tốc độ và phong cách.

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

Ford Mustang: Mẫu Coupe thể thao bán chạy nhất toàn cầu có giá từ 3,18 tỷ đồng

(GLO)- Ford Mustang 2024 là một trong những mẫu xe thể thao đáng chú ý nhất hiện nay với thiết kế cơ bắp, hiệu suất ấn tượng và loạt trang bị tiện nghi hiện đại. Dòng xe này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành mạnh mẽ mà còn thu hút người dùng nhờ vẻ ngoài hầm hố, đậm chất thể thao.