Cha - con và câu chuyện chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trên 111 ha đất của gia đình, cha và những đứa con - hai thế hệ đang cùng nhau chuyển đổi xanh để viết nên câu chuyện sản xuất cà phê bền vững.
Nông trại rộng 111 ha là kết quả của lão nông Nguyễn Bình Đông sau hàng chục năm gầy dựng

Nông trại rộng 111 ha là kết quả của lão nông Nguyễn Bình Đông sau hàng chục năm gầy dựng

CHUYỆN CHA GẦY DỰNG…

Bắt đầu với nghề nuôi ong từ năm 1981, nông dân Nguyễn Bình Đông đã rong ruổi với những đàn ong để đi tìm nơi hoa thơm, mật ngọt. Trong hành trình rong ruổi đầy gian nan ấy, ông đã sớm thấy được hiệu quả của những cánh đồng mẫu lớn, những miệt vườn mênh mông. Để rồi từ đó, ông nuôi ước mơ và từng bước hiện thực hoá để có được trang trại của riêng mình cho thoả đam mê trồng trọt và để dừng lại những tháng ngày nay đây mai đó.

Năm 1986, qua lời giới thiệu của người quen, ông Nguyễn Bình Đông đã bắt đầu mua một khu vườn ở xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Vốn người gốc Bắc, không quen trồng cà phê, trồng chè nên trên mảnh đất đầu tiên của mình ông trồng bắp, đậu. Gom góp từ những vụ mùa bội thu để dần mua thêm đất từ các hộ dân lân cận và 10 năm sau tạo nên một nông trại Bình Đông rộng lớn hơn 111 ha.

“Mình hiểu biết ít, kinh nghiệm lại không có nên càng phải học nhiều. Học từ chính những người nông dân là bài học gần gũi và thiết thực nhất. Có lẽ cũng nhờ thế mà trời không phụ người có lòng”, ông Đông chia sẻ về quá trình học hỏi để chuyển sang trồng chè như bà con bản địa và sau này ông chuyển đổi sang trồng cà phê từ năm 2008.

“Nhất nước, nhì phân”, song nước tưới lại là vấn đề khó khăn nhất của gia đình ông Nguyễn Bình Đông khi sản xuất cà phê trên diện tích lớn. Để giải quyết bài toán này, ông Đông đã dành trọn 5 năm để kiến thiết và hoàn thiện hệ thống ao, hồ đảm bảo nguồn nước cho cây cà phê. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới béc để tiết kiệm nước song vẫn cung cấp nước đều cho toàn diện tích và giảm lượng nhân công.

Ông Đông kể: “Những năm trước đây, giá cà phê nhân xô không cao, nên để duy trì việc sản xuất trên toàn bộ diện tích và đảm bảo đời sống cho gia đình, tôi đã chọn trồng xen cây dâu tằm ở các khu vực đất cằn cỗi”. Có thời điểm gia đình ông Đông nuôi tới 20 hộp giống tằm, thu về hàng trăm triệu đồng tiền kén. Ông Đông chia sẻ thêm, việc này ngoài tăng thu nhập, lượng phân tằm còn được sử dụng để bón cho cây cà phê góp phần giảm chi phí mua phân hoá học đồng thời tăng độ màu mỡ cho đất. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, ông Đông nhận thấy tằm là loài vật rất nhạy cảm với khí hậu xung quanh. Nếu môi trường có nhiều hoá chất như thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tằm. Bởi vậy ông dần chuyển đổi việc sản xuất cà phê theo hướng giảm tối đa lượng phân bón và thuốc trừ sâu để nuôi tằm thuận lợi và đảm bảo môi trường. Song cũng nhờ vậy chất lượng cây và hạt cà phê của gia đình ông luôn cao và có thương lái thu mua ổn định.

Việc sản xuất phù hợp với thực tiễn, lão nông Nguyễn Bình Đông không gọi tên chính xác được cách thức sản xuất của mình. Nhưng đến thời con trai ông - anh Nguyễn Thanh Lộc thì cách sản xuất thân thiện với môi trường ấy đã được gọi tên, định hình và nâng tầm phù hợp với xu thế mới.

Từ kinh nghiệm của người cha và sức trẻ của những người con, nông trại Bình Đông đang từng bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc với phương châm: lấy chất lượng làm trung tâm. Sản phẩm cà phê hàng năm sau khi chế biến của nông trại Bình Đông đều được đưa tới các cơ sở chuyên ngành được Hiệp hội Cà phê thế giới công nhận để đánh giá chất lượng.

Cha và con đang đồng hành để từng bước chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Cha và con đang đồng hành để từng bước chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

… CHO CON VIẾT TIẾP HÀNH TRÌNH

Được học tập và trải nghiệm trong môi trường kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh một thời gian dài, anh Nguyễn Thanh Lộc hiểu rằng: Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Và muốn đưa hạt cà phê tiến chắc, tiến xa trên thị trường đòi hỏi phải thích nghi với sự chuyển đổi này.

Anh Nguyễn Thanh Lộc đang từng bước đưa nông trại sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo đó, việc sản xuất cà phê đã không còn dùng hoá chất, thay vào đó phương pháp sử dụng “thiên địch” được áp dụng để diệt sâu hại. Toàn bộ diện tích cà phê đều để cỏ mọc tự nhiên nhằm chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất, cân bằng hệ sinh thái giúp cho hệ vi sinh vật có lợi phát triển. Tại nông trại Bình Đông, ngoài một lượng phân bón được tận dụng từ phân tằm, anh Nguyễn Thanh Lộc cho biết thêm: “Chúng tôi tận dụng vỏ cà phê kết hợp nguồn phân chuồng cùng men vi sinh để làm nguồn phân bón chính để vừa cung cấp thêm hàm lượng chất dinh dưỡng cho cây trồng, cải thiện môi trường đất, nâng cao chất lượng hạt và đảm bảo môi trường. Hiện toàn bộ cà phê của chúng tôi được chăm sóc theo qui trình đồng nhất. Nhật ký canh tác cây trồng cũng được thực hiện đầy đủ, rõ ràng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu đi các thị trường quốc tế”.

Chị Đỗ Ngọc Trâm Anh (vợ anh Nguyễn Thanh Lộc), chia sẻ thêm: “Chúng tôi hiểu nguồn nguyên liệu sạch, ổn định và khả năng cung ứng dồi dào sẽ tạo được sự thoả mãn cho khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Bởi vậy bên cạnh thay đổi phương thức canh tác, nông trại Bình Đông cũng thay đổi phương thức chế biến”.

Nông trại đã xây dựng khu vực sản xuất rộng hơn 3.000 m2 được trang bị 2 hệ thống sơ chế công suất 5 tấn/giờ và mở rộng thêm khu vực phơi với diện tích lên đến hơn 20.000 m2 cùng trang bị đầy đủ hệ thống giàn phơi, máy thông gió, máy đo nhiệt độ, độ ẩm… đảm bảo quá trình phơi đạt chất lượng tốt nhất ngay cả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Cà phê được thu hái 100% quả chín, sau đó được sơ chế ngay trong ngày để đảm bảo chất lượng tốt nhất và giữ được lượng đường trong trái. Cà phê sau khi phơi trên sàng trong nhà kính, độ ẩm đạt đủ điều kiện lưu kho (10-12,5%) sẽ được trữ trong các bao Jumbo có trọng lượng 1-1,2 tấn/bao. Sau quá trình lưu kho trong vỏ thóc từ 1-2 tháng để ổn định chất lượng, cà phê được đem đi xát lớp vỏ thóc rồi đưa qua sàng để loại đi tạp chất, các hạt bể... và phân loại kích cỡ, sau đó đi qua máy tách màu để loại đi các hạt không đồng màu, nhằm tăng sự ổn định và chất lượng sản phẩm. Cà phê sau khi được chọn lựa sẽ được đóng trong bao bì đạt chuẩn để tránh bị hồi ẩm và giữ được chất lượng tốt nhất của hạt. Bao bì được in ấn đầy đủ thông tin của sản phẩm.

Anh Nguyễn Thanh Lộc không giấu nổi vui mừng khi sau gần 40 năm thăng trầm và thay đổi, từ nông trại trà và cà phê đơn thuần, hiện nông trại Bình Đông đang là đơn vị cung ứng cà phê chất lượng cao với sản lượng trên 500 tấn/năm. Điều đó giúp nông trại Bình Đông chủ động cung ứng nguồn nguyên liệu bền vững và lâu dài.

Nông trại hiện có hơn 50 lao động thường xuyên và khoảng 100 nhân công vào vụ thu hái. Toàn bộ đều là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Với lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu, chất lượng hạt cà phê được đảm bảo, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, cà phê của nông trại Bình Đông đã xuất khẩu sang các nước: Anh, Đức và các nước Đông Nam Á. Hiện đơn vị này đang tiến hành các thủ tục để đưa hạt cà phê vào chinh phục các thị trường khó tính như Trung Đông, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Robusta Việt Nam ra với thế giới.

Có thể bạn quan tâm