(GLO)- Không vất vả, gian nan, cầu kỳ với nhiều ngư cụ đắt tiền như những nghề đánh bắt khác trên biển, nghề câu mực đêm được những ngư dân bao đời tại các vùng biển bãi ngang miền biển Quảng Trị ví như những chuyến du lịch biển nước về đêm đầy thú vị.
Anh Tuân chuẩn bị đồ nghề câu mực. Ảnh: An Nguyên |
Như đã hẹn từ trước, khoảng 5 giờ 30 phút chiều, khi màu nắng nhạt phía Tây đang dần tắt, tôi cùng anh Nguyễn Văn Tuân-một ngư dân lâu năm tại vùng biển Cát Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) lên một chiếc thuyền thúng để bắt đầu một đêm mưu sinh bằng nghề câu mực. Với chất giọng đặc sệt miền biển, anh Tuân dí dỏm nhắc nhở trước khi ra khơi: “Không phải đánh bắt gần bờ là khỏe re mô nghe! Thuyền thúng nhỏ, lắc lư, lại phải chịu khó thức đêm buông câu nên dễ say sóng lắm đó. Theo ngư dân ra biển là phải có mực, có cá đem về, không được về tay không mô nghe!”.
Với bàn tay dẻo dai, anh Tuân sử dụng mái chèo một cách điệu nghệ lướt nhẹ trên mặt biển tiến ra xa. Vừa điều khiển chiếc thuyền thúng, anh Tuân vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện lý thú khi đi câu mực đêm.
Đúng như câu nói ngư dân bao đời truyền lại “nam ra mực vô”. Hàng năm, cứ vào tháng 6, khi những luồng gió nam thổi ra mặt biển thì ngư dân lại háo hức vào mùa câu mực. Thường thì nghề này chỉ kéo dài trong mấy tháng hè. Nhưng để câu được mực không phải là dễ. Người câu mực cần tích lũy nhiều kinh nghiệm, biết nhìn hướng gió, màu nước, con trăng, rõ dòng hải lưu mới xác định chính xác vị trí mực làm tổ mà câu. Có một kinh nghiệm mà người câu mực phải tuân thủ từ bao đời là khi vô tình câu được mực chúa (là loại mực to, dẫn đầu đàn làm tổ) ngay lập tức người câu phải thả lại xuống biển. Vì nếu câu luôn mực chúa thì mùa sau mực sẽ không kéo vào những vị trí gần bờ làm tổ.
Chiếc thuyền thúng lòng vòng trên mặt biển chừng 20 phút thì anh Tuân dừng lại và nói: “Vị trí ni được đây. Bên dưới chắc chắn có tổ mực”. Rồi anh Tuân thả neo, thắp đèn và buông câu. Lúc này thuyền cách bờ chừng 200 mét, với mức nước sâu vài sải, bầu trời cũng bắt đầu nhá nhem tối. Tôi được anh Tuân giao cho một cần câu nhìn rất lạ và “độc”. Cần câu là một đoạn tre nhỏ dài chừng 40 cm. Đầu cần câu cột một đoạn dây cước dài chừng 4 mét. Lưỡi câu được anh Tuân gọi bằng “rường” là một ống sắt được cuốn những đoạn dây đủ màu sắc nổi bật, lấp lánh ánh kim. Đầu ống sắt được cột chặt 6 lưỡi câu hình tròn. Khi tôi hỏi đến mồi câu thì anh Tuân cười với câu nói truyền nghề: “Câu mực thì mần chi có mồi hả em. Muốn bắt được mực thì phải lừa mực cắn câu. Không mồi như rứa mới gọi là câu mực đêm”.
Ảnh: An Nguyên |
Rồi anh Tuân hướng dẫn cho tôi cách lừa mực cắn câu. Khi buông câu, người điều khiển cần phải giật nhẹ qua lại để những cái “rường” như là con tôm, con cá bơi lội thì mực mới dùng tua ôm trọn lấy “rường”. Khi kiểm tra thấy “rường” nặng thì ngư dân phải thật nhẹ tay, khéo léo kéo “rường” lên ngang mặt nước. Với những loại mực nhỏ, khi kéo được mực lên ngang mặt nước thì phải giật mạnh để mực chưa kịp nhả tua đã nằm gọn trong thuyền thúng. Còn đối với các loại mực lớn thì phải dùng vợt để xúc, bởi dây cước câu mực rất mảnh, nếu giật mạnh làm dây đứt thì mực cũng thoát mất. Anh Tuân cho biết thêm: “Thường thì tụi tui chỉ câu những loại mực lớn vào bờ để đẻ trứng. Có những hôm “trúng mánh” (bội thu-P.V) tui còn câu được cả mực ống loại trên 1 kg đó”.
Vừa buông câu chừng 5 phút, với bàn tay sử dụng cần câu lừa mực dẻo dai, điêu luyện, anh Tuân đã cười vang giật câu con mực ống to. Mực được gỡ ra cho vào thùng nước biển và vẫn còn bơi, thân mình trong suốt. Cứ khoảng 15 phút là anh Tuân lại thay “rường” một lần.
Khoảng 2 giờ 30 phút sáng, khi đã thấm mệt vì lắc lư theo con sóng, tôi cùng anh Tuân nghỉ tay. Gỡ những con mực thơm phức ở mái che bóng đèn, chúng tôi cùng thưởng thức món mực nướng dân dã. Vị ngọt cùng với mùi thơm nồng của mực khiến người ăn không khỏi trầm trồ. Anh Tuân cho biết: “Nghề ni là rứa đó. Thích thì làm, không thích thì ngồi ngắm trăng, ngắm sao, ngắm mặt biển lung linh và nhâm nhi mực nướng bóng đèn. Nói chung cũng là một niềm vui”. 4 giờ sáng, thuyền câu của chúng tôi nhổ neo quay về bờ. Nhiều thuyền thúng cũng tắt đèn kết thúc một đêm mưu sinh với những tiếng cười, lời hỏi thăm làm nhộn nhịp mặt biển một ngày mới.
An Nguyên