Cầu Bung sập: Lỗi thuộc về người... đã chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như Báo Gia Lai đã đưa tin, nhờ… mưa lũ xảy ra ngày 5-11-2007 mà cầu Bung được phát hiện bị “rút ruột”. Nhưng đến ngày 20-6-2011, vụ án cũng mới chỉ chính thức đưa ra xét xử sơ thẩm một cán bộ giám sát thi công trong cả chuỗi thiệt hại công trình. Những cá nhân có liên quan được đề cập sẽ xem xét, xử lý trong một vụ án khác nhưng chưa biết lúc nào…
Chỉ đủ tiền giám định 1 trụ nên truy tố… 1 người
Chi tiết vụ sập cầu Bung đã được Báo Gia Lai số ra ngày 13-6-2011 phản ánh. Theo đó, ngày 5-11-2007, mưa lũ xảy ra làm sập trụ T8, kéo theo sập đổ 2 nhịp N8, N9 và hư hại trụ T9 công trình cầu Bung, vì sự cố này nên khoảng 7 giờ ngày 18-5-2011, nhịp cầu số 3 bị sập, kéo theo chiếc xe cẩu và 5 công nhân đang xây lắp rơi xuống sông. Quá trình điều tra phát hiện công trình có 115/123 cọc ở tất cả các trụ cầu đều bị rút ruột...
Cầu Bung bị sập ngày 5-11-2007. Ảnh: Văn Nhung
Cầu Bung bị sập ngày 5-11-2007. Ảnh: Văn Nhung
Cơ quan điều tra phải tốn 500 triệu đồng để giám định thiệt hại sập một nhịp do đổ trụ T8 làm cơ sở truy tố Phan Anh Tuấn- giám sát thi công của Công ty 134 về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu giám định thiệt hại toàn bộ cầu Bung (thêm 3 nhịp) thì phải cần đến số tiền dự kiến trên 5 tỷ đồng. Và như vậy sẽ liên quan đến trách nhiệm nhiều cá nhân khác nhưng hiện nay… chưa có tiền!
Đổ tội cho người đã chết
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20-6-2011, bị cáo Phan Anh Tuấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với lý do: “Trình độ non kém, cả nể, chưa nắm bắt vấn đề xã hội; khi thực hiện đóng cọc phát hiện sự cố và có báo miệng với ông Nguyễn Như Dũng- giám sát tư vấn thiết kế và Bế Văn Lạc- giám sát chủ đầu tư mà không lập thành văn bản (ông Dũng và ông Lạc đã chết sau sự cố sập cầu-N.V)”.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Vậy bị cáo có lập nhật ký công trình không?”. “Dạ có!”, “Vậy nhật ký công trình đâu?”, “Khi bị bắt, nhật ký công trình đã được Cơ quan Điều tra thu giữ”- bị cáo trả lời. Cũng liên quan đến nhật ký công trình, đại diện Viện Kiểm sát “quay” ông Lê Văn Hạnh- Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải: “Tại thời điểm đó anh là Giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông Gia Lai, anh đã không làm tròn trách nhiệm giám sát tác giả, giám sát tại công trường?”. “Dạ, có giám sát tác giả nhưng không thường xuyên và giám sát công trường là thường xuyên”. “Anh nói không đúng. Giám sát mà để bị cáo Tuấn cho cắt cọc lại không biết!”- đại diện Viện Kiểm sát vặn lại. Ông Hạnh im lặng. Đại diện Viện Kiểm sát hỏi tiếp: “Khi thi công, không có nhật ký đóng cọc, chỉ có nhật ký công trình, đúng không” thì ông Hạnh cho rằng cán bộ phụ trách thực hiện nghiệm thu từng phần. Lập tức đại diện Viện Kiểm sát nhắc nhở: “Không đổ lỗi cho nhân viên”.
Bị cáo Tuấn trước vành móng ngựa. Ảnh: Văn Nhung
Bị cáo Tuấn trước vành móng ngựa. Ảnh: Văn Nhung
Tại phiên tòa, khi chủ tọa xét hỏi ông Phan Xuân Đức (tại thời điểm đó, ông Trần Duy Hưng là Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, kiêm Chủ nhiệm Ban Quản lý dự án đã giao cho ông Phan Xuân Đức- Phó Chủ nhiệm Ban Quản lý dự án trực tiếp quản lý-N.V): “Hậu quả trực tiếp là do cắt cọc, vậy trách nhiệm của anh đến đâu?”. “Dạ, trong các cuộc họp giao ban, tôi có báo cáo nhưng không lập bằng văn bản. Tôi chỉ thiếu trách nhiệm trong sự việc”. “Như vậy, Cơ quan Điều tra đã bỏ lọt tội: “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước” đối với anh có đúng không?”. “Dạ…!”. “Có phải các anh làm sai với thiết kế ngay từ đầu”- Chủ tọa hỏi. “Dạ, phải!”. “Vậy, anh có cố ý làm trái không?”. “Dạ, đây là sai có hệ thống dây chuyền(!)”- ông Đức trả lời. Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: “Anh là người được chủ đầu tư giao trực tiếp theo dõi tại sao anh không cho đóng toàn bộ các trụ mà chỉ đóng (cọc thử độ sâu) trụ T1 và T6?” thì ông Đức lại cho rằng mình được giao nhiều việc quá nên không kiểm soát hết. Vừa trả lời xong, Chủ tọa phiên tòa chấn chỉnh: “Quán xuyến công việc không nổi thì anh có nghĩa vụ báo lại cho lãnh đạo đơn vị, không đổ lỗi do nhiều công việc”.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã chất vấn nhiều cán bộ có liên quan nhưng tất cả đều cho rằng việc giám sát thi công là không trực tiếp mà giao hết cho ông Dũng và ông Lạc; việc chỉ đạo xử lý cắt ngắn cọc là do chỉ huy công trình Phan Anh Tuấn.
Xét nhân thân và bị cáo đã bồi thường khắc phục hậu quả 1,52 tỷ đồng nên Hội đồng xét xử tuyên phạt Phan Anh Tuấn (SN 1974, trú tại phường 16, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) 3 năm tù về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” dưới mức khung hình phạt bị truy tố từ 10 năm đến 20 năm tù.
Văn Nhung- Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.