Cách đây không lâu, bạn tôi gọi điện thoại cho biết có một cô bạn thân là giáo viên (mẹ đơn thân) kết bạn với một anh chàng người Anh trong thời gian chừng vài ba tháng. Anh bạn người Anh có nhã ý gửi cho cô bạn thùng quà, gồm nhiều loại mỹ phẩm đắt tiền, đồng hồ… trị giá lên đến 400-500 triệu đồng. Thùng quà này được anh ta chụp ảnh chuyển cho cô giáo trước khi mang đi gửi qua đường bưu điện. Mừng vì người bạn ga lăng nên cô cho địa chỉ và số điện thoại để tiện liên lạc.
3 ngày sau, cô bạn nhận một cuộc điện thoại thông báo rằng thùng hàng từ nước Anh gửi qua đang ở Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Người gọi là “nhân viên hải quan sân bay” yêu cầu cô nộp khoản tiền 15 triệu đồng về khoản thuế hàng cao cấp. Không một chút nghi ngờ, cô chuyển ngay khoản tiền trên và chờ nhận hàng. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, cô lại được yêu cầu gửi thêm 50 triệu đồng nữa vì “trong thùng hàng có tiền Euro”. Lúc này, cô bạn mới cảm thấy có gì đó không đúng nên gọi điện thoại cho bạn tôi và bạn tôi gọi hỏi tôi như đã nêu. Tôi cười và cho bạn tôi biết, đây là trò lừa đảo diễn ra khá phổ biến đã được báo chí nêu nhiều, may mà mới chỉ mất 15 triệu đồng.
Trường hợp thứ hai là của chính tôi. Chuyện là, sau khi đi qua Mỹ 2 tháng về, mấy ngày sau trên messenger, tôi nhận được câu hỏi rất thân thiện: Bạn khỏe không? Vô tư, tôi trả lời: Cảm ơn bạn, tôi khỏe! Ảnh của người hỏi thăm trên messenger là 1 cô gái có nét châu Á. Mấy ngày sau cũng qua mesenger, cô ấy (từ giờ gọi là đối tượng) cho biết mình là người Mỹ gốc Việt, ở TP. Houston (nơi tôi ở khi qua Mỹ), đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Syria. Vì là quân nhân nên ít thời gian rảnh, chỉ trao đổi qua messenger mà thôi. Mấy ngày sau, đối tượng cho biết cha mình cũng là quân nhân gốc Việt có quân hàm rất cao, đã chết tại Syria vài năm trước. Đối tượng hỏi có thể kết bạn và tin tưởng tôi không? Ô, có gì mà không tin tưởng? Vậy là, đối tượng cho biết trước đây cha đối tượng có để lại một khoản tiền lên đến 750 ngàn USD. Không thể mang về Mỹ nên sẽ chuyển qua Việt Nam cho tôi, tôi có thể sử dụng 40%, phần còn lại, theo đối tượng, tôi nên gửi vào két ngân hàng hoặc nếu nhà an toàn thì có thể cất giữ tại nhà. Sau đó, nếu có dịp nghỉ phép hoặc hết thời gian làm nhiệm vụ quốc tế, đối tượng sẽ qua Việt Nam để nhận lại tiền.
Biết gặp bọn lừa đảo rồi nhưng tôi vẫn giả nai, hỏi: “Làm sao bạn có thể chuyển tiền qua Việt Nam được?”. Đối tượng cho biết sẽ chuyển qua bằng đường ngoại giao và dặn tôi làm theo hướng dẫn của nhân viên khi nhận hàng, đồng thời chuyển các tấm ảnh xếp tiền vào thùng trước khi gửi. Không dây dưa nữa, tôi làm cú nốc ao: OK, nhưng tôi nói trước, tôi không có tiền để chi trả các dịch vụ bên này đâu! Vậy là đối tượng “lặn” một hơi mất tăm.
Thực ra, chuyện lừa đảo của bọn tội phạm quốc tế đã xuất hiện từ lâu, rất dễ nhận biết. Thường thì chúng sử dụng ngôn ngữ dịch của Google nên đọc rất trục trặc, không đúng văn phong. Đối tượng chúng thường nhắm tới là những phụ nữ đơn thân, người về hưu, thậm chí là những anh chàng “hảo ngọt”, tùy từng thành phần mà có những chiêu trò khác nhau nhưng tựu trung lại là kết nối tình cảm, khơi gợi lòng tham... nên một số người dễ mắc lừa, đến khi vỡ lở rồi mới trình báo công an.
Nhờ smartphone, khoảng cách không gian hầu như không còn nữa, chúng ta có thể tiếp cận được với mọi thông tin, kết nối với mọi người bất cứ ở nơi đâu. Rất thuận lợi nhưng cũng rất bị phiền hà: nào là rác quảng cáo, mời mua hàng online, đặc biệt là bọn xấu hay dở chiêu trò lừa đảo qua mạng. Ấy là chưa kể đến những video clip có nội dung bạo lực, xấu, độc, giới trẻ, nhất là trẻ em có thể bắt chước gây nguy hiểm. Vậy nên, nói “chơi dao 2 lưỡi” đối với mạng xã hội ngày nay cũng không phải là nói quá, cảnh giác vẫn là hơn.