(GLO)- L.T.S: Ủy ban nhân dân TP. Pleiku đang chỉ đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các phường liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú. Xoay quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Trần Xuân Quang-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku.
Trần Xuân Quang-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku |
P.V: Ông có thể cho biết thành phố đã làm gì để tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án?
- Ông Trần Xuân Quang: Dự án xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú là công trình trọng điểm của tỉnh và thành phố, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường. Do đó, công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đã được thành phố thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Thành ủy Pleiku đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TU ngày 26-12-2014 về việc thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án và giao Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Hai phường Phù Đổng và Hội Thương cũng thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án có đất thu hồi. Ủy ban nhân dân thành phố cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ thực hiện, những vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thi công. Đồng thời, giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố phối hợp cùng 2 phường thành lập tổ công tác để cung cấp thông tin và tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến từng hộ dân. Thành phố cũng kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc đến các sở ngành và UBND tỉnh để xem xét tháo gỡ.
P.V: Thành phố đã làm như thế nào để vận động thành công đối với các trường hợp gần đây, tránh phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định, thưa ông?
Khu vực thực hiện dự án từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Hùng Vương. Ảnh: T.N |
- Ông Trần Xuân Quang: Trước hết, UBND thành phố khẳng định, cưỡng chế là việc làm bất đắc dĩ. Tuy nhiên, một khi đã áp dụng đầy đủ và đúng quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ mà người dân vẫn không chấp hành thì chính quyền thành phố phải cương quyết thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên trước thời điểm dự kiến cưỡng chế, UBND thành phố vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể của thành phố và phường Hội Thương tuyên truyền, vận động đến các hộ nằm trong diện cưỡng chế. Kết quả, 3 trường hợp là hộ bà Võ Thị Thi, các đồng sở hữu con ông Chương A Sắt và các đồng sở hữu con ông Hà Ngọc Cư đã đồng ý bàn giao mặt bằng.
Hiện nay, công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư và giải phóng mặt bằng giai đoạn I từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Hùng Vương vẫn còn 8 hộ (phường Hội Thương 6 hộ và Phù Đổng 2 hộ) chưa thống nhất. Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị 8 hộ này cần chấp hành theo phương án bồi thường đã phê duyệt, bàn giao mặt bằng để tránh việc chính quyền phải thực hiện cưỡng chế.
P.V: Ông có thể thông tin thêm về vai trò dự án này trong tổng thể cảnh quan môi trường của thành phố?
Ảnh: T.N |
- Ông Trần Xuân Quang: Tổng quan quy hoạch phân khu suối Hội Phú đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 09/2004/QĐ-UBND. Trong thời gian chờ đợi đầu tư, mức độ ô nhiễm môi trường suối Hội Phú ngày càng tăng, một số khu vực bốc mùi hôi thối khiến nhân dân trong vùng dự án ngày càng bức xúc. Rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đề nghị Nhà nước sớm triển khai dự án. Năm 2014, Chính phủ đã đồng ý cấp vốn để đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú theo quy hoạch điều chỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-UBND với quy mô chiều dài 6,25 km (điểm đầu từ đường Lê Thánh Tôn và điểm cuối đến cầu Ia Sol đường Cách Mạng Tháng Tám) và tổng diện tích 90,29 ha. Giai đoạn 2014-2018, tỉnh chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Trung Trực (chùa Minh Thành) với chiều dài 1,76 km.
Toàn dự án được chia thành 2 dự án thành phần gồm: dự án xây dựng hạ tầng với tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng làm các hạng mục kè và đường giao thông, hệ thống thoát nước, nạo vét lòng suối và hồ điều hòa, đập tràn, cầu giao thông và hệ thống chiếu sáng; dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư và giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 167 tỷ đồng, với quy mô tổng diện tích đất thu hồi là 143.177 m2 của 285 hộ gia đình, cá nhân thuộc 3 phường Hội Thương, Hội Phú và Phù Đổng. Đây là dự án trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan. Dự án hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị giữa lòng thành phố theo hướng trục Bắc-Nam, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo sự ổn định chống sạt lở hai bên dòng suối do biến đổi khí hậu trong thời gian đến, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đưa Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố.
P.V: Xin cảm ơn ông.
Thanh Nhật (thực hiện)