(GLO)- Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) có bổ sung quy định người điều khiển xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0. Đa số người dân đồng tình với dự thảo Luật nhưng kiến nghị Nhà nước cần có phương án triển khai phù hợp từ nội dung đào tạo, thời gian đến phí đào tạo.
Từ khi con gái lên lớp 11, vì lịch học khá dày nên vợ chồng anh Tôn Kỳ Hoàn (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) mua một chiếc xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 để con chủ động việc đi lại. Giao xe cho con tự lái đi học, anh chị luôn căn dặn con phải đảm bảo an toàn giao thông.
Sát hạch lái xe mô tô ở Trung tâm Đào tạo nghề tại Gia Lai-Trường Cao đẳng Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng). Ảnh: L.H |
“Nếu có chương trình đào tạo, cấp GPLX hạng A0, tôi sẵn sàng cho cháu đi học. Mặc dù ở trường cháu đã được học về kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và tiếp cận thêm thông tin qua sách báo, internet… nhưng tôi cho rằng, vẫn cần thiết cho các cháu học và thi lấy GPLX”-anh Hoàn nói.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Khôi (tổ 3, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng có con trai đang học lớp 11. Đầu năm học, vì nhà ở xa trường, anh chị lại bận công việc, không tiện đưa đón thường xuyên nên mua cho con một chiếc xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3. “Nếu có khóa đào tạo chuẩn và tổ chức thi cấp GPLX hạng A0, tôi sẵn sàng cho con tham gia. Nếu được đào tạo bài bản, con tôi sẽ có kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn”-anh Khôi bày tỏ.
Lâu nay, quy định không bắt buộc người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 phải có GPLX. Do vậy, nhiều học sinh ở độ tuổi 16-18 đã được cha mẹ mua sắm cho loại phương tiện này để đi lại. Ngoài ra, một số người lớn tuổi có tâm lý ngại học và thi GPLX hạng A1 nên buộc phải sử dụng xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3. Trong điều kiện giao thông đường bộ hỗn hợp, mật độ và lưu lượng tham gia giao thông ngày một lớn, loại phương tiện này ngày càng phổ biến đã đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp phù hợp hơn nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải) cho rằng: Số lượng phương tiện xe máy dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ không vượt quá 4 kW là không hề nhỏ. “Phần lớn học sinh học lái xe từ kinh nghiệm cha mẹ, anh em đi trước hỗ trợ. Vì thế, các cháu điều khiển xe bằng kỹ năng sơ khai nhất, dần dần thành thói quen chứ chưa có kiến thức, kỹ năng bài bản. Nếu không có kiến thức nhất định về hệ thống biển báo, chỉ dẫn, kiến thức tham gia giao thông an toàn, kỹ năng xử lý tình huống phức tạp… sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho chính mình hoặc các phương tiện khác”-ông Kiên nhìn nhận.
Phòng thi lý thuyết tại một kỳ sát hạch lái xe hạng A1 được tổ chức tại huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa |
Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở Giao thông-Vận tải): “Nếu triển khai đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A0, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Mục tiêu quan trọng nhất mà quy định này hướng đến là nhằm nâng cao khả năng đảm bảo an toàn giao thông”. |
Cũng theo ông Kiên, năm 2001, Luật Giao thông Đường bộ có quy định nhóm người sử dụng loại phương tiện này cần phải qua lớp tập huấn, cấp chứng chỉ đã tham gia đào tạo lái xe máy. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân, đến năm 2008, nội dung này được loại bỏ.
“Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A0 cho người điều khiển phương tiện xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ không vượt quá 4 kW là phù hợp với thực tế. Việc này sẽ trang bị cho các cháu kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để tham gia giao thông an toàn”-ông Kiên khẳng định.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho rằng: Việc đưa vào đào tạo, sát hạch cấp GPLX hạng A0 là cần thiết vì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải cân nhắc đến nhiều yếu tố để không gây tốn kém tiền bạc, công sức; đặc biệt, với các em học sinh còn cân nhắc làm sao không ảnh hưởng đến việc học văn hóa. Nội dung chương trình đào tạo cũng cần được xây dựng phù hợp.
“Khi đủ 18 tuổi, các em đủ điều kiện để học và cấp GPLX hạng A1 thì phải có quy định về sự chuyển tiếp, nâng cấp giữa các loại bằng lái cho phù hợp. Quy định áp dụng với nhóm người phần lớn ở độ tuổi 16-18, độ tuổi chưa thành niên, do đó, các chế tài xử lý cũng cần được cân nhắc kỹ”-ông Hạnh nêu quan điểm.
HẢI LÊ