(GLO)- Ông Nguyễn Tấn Hy-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mang Yang: Tôi cơ bản thống nhất với quan điểm phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Riêng chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 82,5 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%, để đạt được cần có những giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực: hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững... Trong đó, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người nghèo cần triển khai kịp thời, đúng thời vụ, đúng nơi. Đặc biệt, không chạy theo số lượng mà phải coi trọng chất lượng và nhân rộng những mô hình hiệu quả. Các chương trình hỗ trợ cho nhân dân phải để người dân tự quyết định, Nhà nước chỉ định hướng, hướng dẫn và giám sát.
* Ông Lê Hùng Vương-thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại và Du lịch sinh thái Hàm Rồng (TP. Pleiku): Tôi thấy các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã bám sát tình hình thực tế địa phương. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, theo tôi, bên cạnh việc tập trung xây dựng các công trình thủy lợi lớn thì cần chú trọng xây dựng các hồ thủy lợi nhỏ phục vụ tưới cho cây công nghiệp để tránh tình trạng khoan và đào giếng gây sụt giảm mực nước ngầm.
Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Riêng đối với diện tích cây hồ tiêu bị chết, cà phê già cỗi cần vận động, định hướng, hướng dẫn kỹ thuật nhiều hơn nữa để người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và tái canh, xen canh nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững. Cùng với đó, cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư tại địa phương để kết nối bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho người dân, tránh tình trạng nông sản bị ép giá. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ về giá, chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh tình trạng giá cao, chất lượng kém dẫn đến thiệt hại cho người dân. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới phát triển bền vững.
NGỌC THU (thực hiện)