Gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang có bước đi đúng đắn là gắn Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, hướng đến nền sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.



Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Có tiềm năng đất đai rộng lớn, cánh đồng liền thửa, được cung cấp nguồn nước tưới dồi dào quanh năm từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, từ lâu, huyện Phú Thiện đã là vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên với diện tích trên 6.000 ha. Để phát huy hết tiềm năng đất đai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp quan trọng là xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống, cánh đồng mía lớn và cánh đồng rau lớn; tiến tới xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Đến vụ mùa 2020, huyện duy trì 24 cánh đồng lúa lớn một giống với diện tích 1.200 ha và cánh đồng mía lớn 298 ha, cánh đồng rau lớn 15 ha. Tại cánh đồng lúa lớn, nhiều loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: LH12, OM4900 và TBR225 đã được đưa vào gieo trồng gắn với quy trình sản xuất tiên tiến và cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp và thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn, sản phẩm “Gạo Phú Thiện” của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai đã được đóng bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc bán rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

  Nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Ảnh: T.Đ
Nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống để xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Ảnh: T.Đ



Cùng với đó, huyện tập trung chuyển đổi 1.274 ha đất sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước tưới hoặc trên những diện tích lúa nước 2 vụ có thể luân canh, xen canh hoặc tăng 1 vụ màu sang rau màu; chuyển diện tích đất rẫy trồng mía và mì sang trồng cây ăn quả, cây điều... Đến nay, nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi cho hiệu quả cao.

Huyện cũng đặc biệt quan tâm thực hiện cơ giới hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong đó, 90% các khâu sản xuất từ làm đất đến thu hoạch đều đã được cơ giới hóa. Đối với một số cây trồng cạn như: khoai lang, mía, rau, đậu thì đã sử dụng hệ thống tưới béc, tưới nhỏ giọt và tưới tràn với tổng diện tích trên 1.110 ha, tương ứng khoảng hơn 40% diện tích cây trồng. Đường ra khu sản xuất, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được đầu tư tương đối đồng bộ.

Với ngành chăn nuôi, huyện chủ trương hỗ trợ để chuyển dần sang trang trại quy mô lớn, giảm dần chăn nuôi hộ gia đình. Toàn huyện đã có 5 trang trại quy mô lớn với 7.000 con heo, 10 trang trại chăn nuôi bò quy mô trung bình và hiện có 6 trang trại đang làm thủ tục để đầu tư chăn nuôi heo với quy mô 60.000 con. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được chú trọng với 370 ha mặt nước; diện tích thâm canh cao ngày càng tăng, chiếm 30-40%, tổng sản lượng thu hàng năm đạt bình quân 860 tấn…

Đặc biệt, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu đã định danh sản phẩm gạo Phú Thiện trên bản đồ lúa gạo cả nước; khẳng định quyền được bảo hộ mặt hàng gạo Phú Thiện trên toàn quốc và mở ra cơ hội để sản phẩm vươn xa ra các thị trường lớn hơn. “Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội lớn và là bước ngoặt đối với người dân trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, nhà sản xuất-chế biến gạo Phú Thiện”-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Gắn với xây dựng NTM

Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở Phú Thiện. Ảnh: Trần Đức
Mô hình cánh đồng lúa lớn một giống cho hiệu quả cao ở Phú Thiện. Ảnh: Trần Đức



Trong 5 năm qua, huyện Phú Thiện đã chú trọng triển khai nhiều đề án, nghị quyết, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình thực hiện cụ thể. Huyện đã huy động hơn 2.738 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, ngân sách trung ương 161,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 165 tỷ đồng, vốn tín dụng, doanh nghiệp hơn 2.396 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư quy đổi hơn 15 tỷ đồng. Chương trình xây dựng NTM đã có sức lan tỏa sâu rộng, được người dân tích cực tham gia với vai trò chủ thể thực hiện các hạng mục và trực tiếp thụ hưởng. Nhân dân trong huyện đã hiến 150.998 m2 đất và đóng góp 496.876 ngày công để xây dựng NTM. Huyện cũng đã vận động được trên 13 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị thiên tai xây mới 206 căn nhà, sửa chữa 301 căn. Vận động 2.581/4.693 hộ chăn nuôi di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn; 10.906/14.179 hộ có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, dự kiến đến cuối năm 2020, huyện có 6/9 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII) và có 13 làng đạt chuẩn NTM. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thực sự làm thay đổi sản xuất và diện mạo nông thôn Phú Thiện, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 25,16% (năm 2015) xuống còn 5,16% (cuối năm 2019).

 

 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.