Cái chết thật oan uổng của một thiếu nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cô gái Jrai 17 tuổi ấy bị chết, nhưng dân làng Mlá xã Phú Cần, huyện Krông Pa vẫn còn kinh sợ mỗi khi nhắc đến cái cách mà bà lang trong làng đã hành xử là dùng tay bóp nặn và vác chày đập thẳng vào bụng của cô để cho bào thai chết và tuột ra như thời Trung cổ.
 

Biên bản hòa giải vụ việc. Ảnh: Đức Phương
Biên bản hòa giải vụ việc. Ảnh: Đức Phương

Ngồi trộn cơm với men làm rượu ghè để chờ đến ngày làm lễ bỏ mả cho con gái đầu Rơ Lan H’Uy mà chị Rơ Lan H’Prim và mẹ mình Rơ Lan H’Tre không sao cầm được nước mắt. Cạnh đó, đám thanh niên trong làng đi kiếm cây gỗ để dựng nhà mả cho con H’Uy cũng vừa về. Chị H’Prim nhìn đám thanh niên đang ngồi buồn uống rượu cùng ông Nay Niên cha dượng nó rồi lại nhìn cái mẹt đựng cơm rượu vo ve ruồi bu mà không buồn đuổi.

Cái đám thanh niên trước đây ngày nào cũng tập trung đến ngồi chật cả nhà để tán tỉnh con bé H’Uy, cười nói râm ran, thế mà giờ đây đang ngồi buồn lặng thinh uống rượu. Thấy cảnh đó, chị Rơ Lan H'Prim càng tủi phận hơn. Chị tự trách mình giá như chị và mẹ mình đã không ngu muội tới mức dấu hết mọi người rồi lén đưa con bé H’Uy đến nhờ bà lang vườn trong làng phá thai thì đâu đến nỗi…

... Ở cái tuổi ba lăm, H’Prim đã có 2 đời chồng và 5 đứa con. Con bé H’Uy và đứa em gái kề nó là con của người chồng trước đã bội bạc từ bỏ mẹ con chị để đi theo người đàn bà ở buôn khác. Bé H’Uy cùng 4 chị em lớn lên trong sự yêu thương của mẹ, cha dượng và bà ngoại. Học hết lớp 3 thì H’Uy bỏ học luôn, ở nhà theo mẹ lên rẫy. Được thừa hưởng nhan sắc của mẹ, H’Uy càng lớn càng xinh tươi. Bước sang tuổi 17, H’Uy có dáng người cao, thanh mảnh, nước da nõn nà, phảng phất cái nét rất lạ của núi rừng khiến cho nhiều chàng trai trong vùng phải ngẩn ngơ rồi tìm đến tán tỉnh.


Như con chim đã một lần bị thương đâm ra sợ cành cong, chị H’Prim và bà H’Tre mẹ chị là hai người chủ trong ngôi nhà Jrai này còn dùng giằng chưa quyết định chọn đám nào cho con bé H’Uy. Còn cha dượng nó là Nay Niên thì không hiểu lý do gì lại hay rượu chè rồi cứ thấy đứa thanh niên nào đến tán tỉnh con bé là kiếm cớ để chửi đuổi. Nhưng sự cản trở đó cuối cùng cũng không ngăn nỗi bước chân của chàng trai Jrai trắng trẻo và khéo ăn nói Nay Thương. Anh hay đến nhà với vẻ chân thành đã chiếm trọn niềm tin của cô gái mới lớn H’Uy. Biết mặt, biết tên, lại nghe giới thiệu nhà ở buôn Uar, xã Chư Răng chứ H’Uy và cả nhà chị H’Prim không ai biết nhà và những người quen biết, họ hàng của chàng trai đó cả. Rồi đột nhiên gần hai tháng nay không thấy bóng dáng chàng trai đến nữa. Thôi thì tại cái duyên của con H’Uy chưa tới. Thấy thế rồi quên thế, cả nhà chị H’Prim không ai có suy nghĩ gì. Nhưng sự đời có ai biết được chữ ngờ?

Thời gian gần đây, bà H’Tre thấy cháu gái H’Uy của mình có vẻ xanh xao, cái cổ nó như dài ra, mà cái bụng thì lùm lùm, khang khác. Bằng kinh nghiệm của người già, bà H’Tre đã thấy có gì đó không ổn. Gặng hỏi mãi cuối cùng H’Uy cũng thút thít khóc mà khai ra là đã có thai với thằng Nay Thương. Để cho chắc ăn, sáng hôm sau bà H’Tre bắt chị H’Prim dẫn H’Uy lội sông Mlá sang thị trấn Phú Túc để siêu âm và có kết quả là mang thai 4 tháng. Vẫn còn cách để xử lý, cả 3 bà cháu mẹ con tạm thời giấu nhẹm chuyện này và kéo nhau sang buôn Uar xã Chư Drăng tìm chàng trai Nay Thương, tác giả của bào thai để bắt về làm đám cưới. Nhưng tìm hoài, hỏi hoài mà cả buôn Uar không có ai tên là Nay Thương như thế cả. Bầu trời, mặt đất phía trước mặt họ như quay cuồng.
 

Chị H’Prim và bà H’Tre đau buồn ngồi làm rượu ghè cất đến ngày tổ chức bỏ mả H’Uy. Ảnh: Đức Phương
Chị H’Prim và bà H’Tre đau buồn ngồi làm rượu ghè cất đến ngày tổ chức bỏ mả H’Uy. Ảnh: Đức Phương

Đối với người Jrai trong vùng thì chuyện con gái chửa hoang là một điều sỉ nhục cho cả làng. Cái án phạt thật nặng đến nỗi phải bán hết nhà cửa, ruộng rẫy mất thôi. Rồi cái tiếng để đời thì làm sao mà gột rửa? Mẹ nó đã hai đời chồng rồi giờ đến nó chửa hoang, và còn 3 đứa em gái còn nhỏ của nó nữa chứ, khi lớn lên liệu có ai mà dám bắt chúng làm vợ vì cái bản thành tích của gia đình? Bà H’Tre, cây cột cái trong nhà choáng váng như muốn đổ sụp xuống.

Sau mấy đêm liền trằn trọc, suy tính, bà quyết định phải dấu nhẹm chuyện này đi rồi cùng với chị H’Prim đưa H’Uy đến nhờ bà lang chuyên việc phá thai trong làng là Ksor H’Ly giúp giải quyết cái thai trong bí mật. Cái giá đã được thỏa thuận là 1,5 triệu đồng, đưa trước 200 ngàn đồng, số tiền còn lại chờ đến lúc bán mỳ khô rồi trả nốt.

Mờ sáng ngày 3-10, cái ngày định mệnh ấy cũng đến, khi còn chưa rõ mặt người, bà H’Tre đã cùng với chị H’Prim dẫn H’Uy đến nhà bà lang Ksor H’Ly (60 tuổi) ở sát bờ sông phía cuối buôn Mlá để giải quyết cái thai. Giao con bé cho bà lang xong thì hai người đàn bà tiếp tục đi rẫy. Chiều tối, trên đường về nhà bà H’Tre ghé qua nhà bà lang để nghe ngóng tình hình thì lúc này cuộc hành quyết cái thai vẫn chưa xong, người nhà bà lang xua đuổi không cho bà vào. Nhưng khi về nhà ngồi chưa ấm chỗ, thì người nhà bà lang đến báo tin con bé H’Uy bị ra máu nhiều, nguy mất, phải đem theo áo quần để đi viện thôi.

Cả nhà hốt hoảng, sợ gặp xui không giám mang theo áo quần của con bé, bà H’Tre chỉ cầm theo cái váy của mình rồi cùng mẹ nó chạy vội đến nhà bà lang. Máu từ cửa mình của H’Uy vẫn chảy đỏ cả sàn nhà. Con bé thều thào kêu đói. Ừ thì bà lang yêu cầu phải nhịn đói cả ngày mà. Phải nấu cháo gấp không thì mày lại phải làm con ma đói mất thôi cháu ơi. Bà H’Tre vừa khóc vừa chụm củi nấu nồi cháo cho cháu gái mình. Ăn được tô cháo xong, nằm nghỉ một lát, con bé lại chảy máu, người mê man đi. Bà lang H’Ly nói: “Hồi chiều tôi đã đưa H’Uy ra sông Mlá để ngâm nước cho ngấm lạnh vào người, máu bớt chảy mà không được”. Thấy không ổn, nửa đêm vợ chồng bà lang mới cùng bà H’Tre và chị H’Prim đưa H’Uy đến Trung tâm y tế Krông Pa cấp cứu.

1 giờ 30 phút, H’Uy nhập viện, thấy cái thẻ bảo hiểm y tế ghi em sinh năm 1997, tức là mới tròn 14 tuổi. Các bác sĩ lo lắng, lập tức triển khai các biện pháp nghiệp vụ, truyền dịch để mong phục hồi huyết áp. Được một lúc thì H’Uy tỉnh lại, các bác sĩ gặng hỏi về cách thức phá thai để còn tìm cách cứu chữa. H’Uy thều thào: “Bà lang dùng tay lần mò bên ngoài bụng rồi bóp nặn cái thai. Sau đó, dùng chày gỗ đập, giộng mạnh vào bụng để cho cái thai chết và tuột ra”. Nghe mà lạnh hết cả người. Nhiều dấu móng tay hằn sâu trên bụng và vết bầm đen hình tròn đường kính 6 cm trên da vùng hạ vị bên trái của H’Uy đã minh chứng điều đó.
 

Căn nhà bà lang H’Ly nơi xảy ra sự việc đau lòng giờ lạnh lẽo, cửa im ỉm khóa. Ảnh: Đức Phương
Căn nhà bà lang H’Ly nơi xảy ra sự việc đau lòng giờ lạnh lẽo, cửa im ỉm khóa. Ảnh: Đức Phương

Máu loảng từ trong cửa mình H’Uy vẫn tiếp tục chảy. Em lại mê man. Không thể chậm trễ, em lập tức được đưa lên xe cứu thương chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa khu vực Ayun Pa. Nhưng nhập viện được 30 phút thì H’Uy tắt thở.    

Từ sau ngày xảy ra cái chết của H’Uy, chiều nào bà H’Tre cũng tìm đến lùm cây sát bờ sông Mlá phía sau nhà bà lang H’Ly để tìm kiếm cái bào thai mà bà lang đã quẳng ra đây nhưng không thấy. Căn nhà sàn của bà lang nơi xảy sự việc đau lòng giờ lạnh lẽo suốt ngày đóng cửa. Vợ chồng bà lang đã bỏ sang buôn Uar nơi có nhà và rẫy để ở mà không về buôn Mlá nữa...

… Một bông hoa đẹp của núi rừng đã ra đi. Trong sổ hộ khẩu của gia đình ghi Rơ Lan H’Uy sinh năm 1995, tức là em hưởng dương 17 mùa rẫy. Dân làng và họ hàng bên nhà bà lang H’Ly và nhà H’Uy cùng với Ban hòa giải thôn, có cả Chủ tịch UBND xã Phú Cần, ông Nay Pơng chứng kiến đã tổ chức hòa giải. Biên bản thảo thuận hòa giải thống nhất kết luận rằng “gia đình bà lang Ksor H’Ly đền cho bà Rơ Lan H’Prim một con bò cái to còn sống khỏe mạnh; còn số tiền đặt cọc 200 nghìn để phá thai thì không trả lại. Ngoài ra, không thêm bất cứ một sự bồi thường nào khác”.

Một con bò để đền thế mạng em H’Uy là xong. Chúng tôi lội sông Ia Mlá trở về bên kia thị trấn Phú Túc mà lòng buồn rười rượi. Đã hai tuần trôi qua, chính quyền và ngành chức năng vẫn ngó lơ, không vào cuộc. Giữa thế kỷ 21 văn minh rồi mà ở đâu đó vẫn còn những vùng tối với những cách hành xử ngu muội và u mê quá đỗi thế sao?

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.
Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổng kết, trao giải 2 cuộc thi "Đường về nhà" và tìm hiểu chính sách pháp luật

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổng kết, trao giải 2 cuộc thi "Đường về nhà" và tìm hiểu chính sách pháp luật

(GLO)- Sáng 28-12, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai tổ chức tổng kết và trao giải 2 cuộc thi sáng tác video, clip truyền thông “Đường về nhà“ và cuộc thi viết “Tìm hiểu chính sách pháp luật trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) toàn tỉnh“ năm 2022.
Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19

Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19

(GLO)- Ngày 27-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại thị xã An Khê. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn giám sát.
Tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Cơ

Tặng quà cho 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Cơ

(GLO)- Chiều 22-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức tặng quà cho các em học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Võ Văn Kiệt (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Gia Lai quy định về quay vòng vốn hỗ trợ cộng đồng đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Gia Lai quy định về quay vòng vốn hỗ trợ cộng đồng đối với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có Quyết định số 42/2022/QĐ-UBND về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chưong trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.