(GLO)- Mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa khô hạn sang trồng các loại rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao và tích cực vận động bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… cách nghĩ, cách làm của Chi hội trưởng Nông dân làng Wâu-ông Klil (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã góp phần cải thiện cuộc sống hội viên.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn dưa leo đang kỳ nở hoa, đơm trái ngay phía sau nhà, ông Klil phấn khởi: “Khoảng 10 ngày nữa vườn dưa leo này sẽ cho thu hoạch. Bình quân cứ 1 sào dưa leo sẽ cho thu hoạch khoảng 40-50 triệu đồng/vụ (đã trừ chi phí)”. Vài năm gần đây, nhờ chuyển đổi diện tích lúa khô hạn sang trồng dưa leo mà vợ chồng ông đã có công việc và thu nhập ổn định, cuộc sống cũng dần cải thiện hơn so với khi còn trồng lúa nước hai vụ.
Ông Klil-Chi hội trưởng Nông dân làng Wâu (xã Chư Á)-người mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa khô hạn. Ảnh: Anh Huy |
Nói về quá trình chuyển đổi diện tích lúa khô hạn sang trồng dưa leo, ông Klil trải lòng: Trước đây, bà con trong làng vốn chỉ quen với việc trồng lúa nước hai vụ, nhưng do vụ Đông Xuân nguồn nước không đủ cung cấp nên năng suất lúa giảm sút đáng kể. Nhiều nông dân vì tiếc đất, vẫn gieo trồng song đến kỳ thu hoạch, tiền lúa không bù đủ tiền giống, tiền phân bón đầu tư…; một số nông dân khác sau khi gieo trồng vụ Đông Xuân xong phải đi làm ăn xa để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống. Thấy rõ sự lãng phí của đất, song chẳng ai nghĩ đến chuyện chuyển đổi đất ruộng lúa sang trồng các loại cây trồng khác.
Bản thân ông Klil vốn là Chi hội trưởng Nông dân, có cơ hội đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, thấy nông dân ở một số nơi khác họ chuyển đổi diện tích đất khô hạn sang trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông cũng bắt đầu thay đổi cách nghĩ. Và rồi ông lân la tìm hiểu, học hỏi quy trình, sau đó, ông quyết định “dọn sạch” 600 m2 đất trong vườn nhà, trước nay chỉ chuyên trồng rau lang sang trồng thử nghiệm dưa leo. Thật không ngờ, 600 m2 đất vốn chỉ mang lại 2-3 triệu đồng/năm từ việc trồng rau lang, sau 1,5 tháng chuyển sang trồng dưa leo đã mang lại cho gia đình 8 triệu đồng.
Bước đầu thử nghiệm thành công đã tạo đà cho gia đình ông mạnh dạn mở rộng diện tích và “tiên phong” trong việc chuyển đổi 2 sào lúa nước 2 vụ sang trồng lúa 1 vụ và dưa leo 1 vụ. Với kinh nghiệm học hỏi được từ những người đi trước cùng với kiến thức trong những lần tham gia tập huấn, hội thảo, ông đem áp dụng vào diện tích dưa leo nhà mình. Ông Klil cho biết: Từ năm 2005 đến nay, bình quân 1 sào dưa leo gia đình ông thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/vụ. Nếu diện tích này vẫn duy trì trồng lúa vụ 2 vụ thì phải mất 4, 5 tháng mới cho thu nhập 3-4 triệu đồng/vụ… Đó là chưa kể, trồng dưa leo cũng không quá vất vả, chỉ cần sự tỉ mỉ và chịu khó… Nhờ chịu khó làm ăn, tích góp, năm 2014, gia đình ông đã mua thêm 6 sào đất để mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông có 1 ha đất trồng lúa và dưa leo. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi 4 con bò và chuyển đổi diện tích 600 m2 đất sang trồng cỏ nuôi bò.
Sau đó, ông vận động anh em trong gia đình, dòng họ phá bỏ vườn cà phê mít kém năng suất sang trồng khổ qua, dưa leo, bà con trong làng thấy hiệu quả cũng tìm đến học hỏi và đều được ông nhiệt tình hướng dẫn, chuyển giao. Hơn nữa, trong vai trò là Chi hội trưởng, ông cũng thường xuyên đến từng nhà vận động hội viên, nhà nào có ruộng phải đi làm ruộng, nhà nào có vườn không được bỏ hoang phải trồng rau màu, còn nhà nào thiếu đất ruộng, đất vườn thì phải chịu khó làm thuê để có thu nhập… Từ năm 2012 đến nay, đa phần người dân trong làng đều dành diện tích đất để làm dưa leo, khổ qua và làng Wâu trở thành điểm cung cấp khổ qua, dưa leo quen thuộc của nhiều thương lái.
Anh Huy