Các nhà khoa học lo ngại khi cá mập dương tính với cocain

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại khi phát hiện cá mập ngoài khơi Brazil dương tính với cocain.
Cá mập mũi nhọn. Ảnh: Alamy

Cá mập mũi nhọn. Ảnh: Alamy

Nhà khoa học người Anh Rachel Ann Hauser-Davis và một nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Oswaldo Cruz ở Rio de Janeiro đã xét nghiệm 13 con cá mập mũi nhọn Brazil và phát hiện tất cả chúng đều có hàm lượng cocain cao trong cơ và gan.

Họ đã thu những con cá mập này từ các tàu đánh cá đi dọc vùng ven biển ngoài khơi Rio de Janeiro. Sau khi xét nghiệm chúng, họ phát hiện nồng độ cocain cao hơn tới 100 lần so với những động vật biển khác cũng được ghi nhận có cocain trong cơ thể. Các nhà khoa học mô tả kết quả này là đáng lo ngại đối với hệ sinh thái biển.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science of the Total Environment. Theo các nhà khoa học, cocain cá mập đã hấp thụ phải có thể bắt nguồn từ chất thải trong cơ sở sản xuất cocain hoặc từ phân của người sử dụng ma túy qua nước thải chưa qua xử lý đổ ra biển.

Thậm chí nó có thể bắt nguồn từ việc những con cá mập ăn cocain do tội phạm làm rơi hoặc vứt xuống biển. Nhưng khả năng này ít xảy ra hơn. Nhà khoa học Rachel Ann Hauser-Davis nói với Telegraph: “Chúng tôi không thấy nhiều kiện cocain bị vứt hoặc thất lạc trên biển, không giống như ở Mexico và Florida”.

Bà Rachel Ann Hauser-Davis đánh giá rằng cocain có thể có hại cho sức khỏe của động vật. Hiện chưa rõ liệu cocain có ảnh hưởng đến hành vi của cá mập, khiến chúng hung dữ, khó đoán và dễ có xu hướng ăn điên cuồng hơn hay không.

Nhà sinh thái học Enrico Mendes Saggioro tại Viện Oswaldo Cruz phân tích: “Điều này có thể xảy ra bởi cocain tác động vào não, gây ra hành vi hiếu động và thất thường như đã được ghi nhận ở các động vật khác”.

Cocain có thể ảnh hưởng đến thị lực, khả năng săn mồi của cá mập. Bà Tracy Fanara từ Đại học Florida nhận định với Telegraph rằng, khả năng sinh sản và tốc độ tăng trưởng của cá mập có thể giảm đi. Nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng chưa có bằng chứng cho thấy cocain kích động hành vi mất kiểm soát hoặc ăn điên cuồng ở cá mập. Theo bà, cá mập có thể không phát điên vì cocain nhưng có thể giảm tuổi thọ vì nó.

Bà Fanara quan ngại: “Điều này đại diện cho các vấn đề trên toàn thế giới, cho dù nó liên quan đến cocain, phân bón hay thuốc diệt cỏ. Chúng ta đang thải những hóa chất này ra môi trường và câu hỏi đặt ra là chúng đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái như thế nào?”.

Có thể bạn quan tâm