(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 13-3-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar đối với cán bộ, công chức, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị và đạt những kết quả quan trọng.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, các cấp ủy, chính quyền đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Jrai và Bahnar, xây dựng khối đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lễ khai giảng lớp học tiếng Jrai cho cán bộ, công chức xã, phường TP. Pleiku. Ảnh: T.N |
Những năm qua, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar và đã có sự lựa chọn hợp lý, đảm bảo đúng yêu cầu và đúng đối tượng. Việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số trước hết ưu tiên cho cán bộ thường xuyên có nhiệm vụ liên quan trực tiếp với người dân tộc thiểu số tại cơ sở. Cùng với đó, các đơn vị cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thường xuyên nắm địa bàn. Giai đoạn 2009-2015, việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar cho cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tổ chức học tại trường; các địa phương phối hợp với nhà trường mở lớp đào tạo tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện. Từ năm 2016 đến nay, sau khi có Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 9-6-2016 của UBND tỉnh, ngoài Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai còn có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên tỉnh, huyện tham gia mở các lớp đào tạo. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương được đẩy mạnh và nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã mở 243 lớp đào tạo tiếng Jrai, Bahnar với 9.181 lược học viên. Trong đó, có cả các lớp hợp đồng đào tạo ngoài ngân sách của tỉnh, giữa Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh với các đơn vị quân đội, Công an và các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức của cấp mình và cơ sở. Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar cho 1.389 học viên tự túc học phí. Điển hình, thị xã An Khê mở 5 lớp bồi dưỡng tiếng Bahnar cho cán bộ, công chức, viên chức toàn thị xã; huyện Đức Cơ mở 11 lớp bồi dưỡng tiếng Jrai cho 559 lượt cán bộ, công chức trên địa bàn huyện; huyện Kông Chro mở 14 lớp bồi dưỡng tiếng Bahnar với 705 cán bộ, viên chức tham gia học tập.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên tiếng Jrai, Bahnar đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Toàn tỉnh hiện có 227 giáo viên (tăng 208 giáo viên so với năm 2014), trong đó có 189 giáo viên giảng dạy tiếng Jrai (tăng 176 giáo viên so với năm 2014) và 38 giáo viên dạy tiếng Bahnar (tăng 32 giáo viên so với năm 2014). Hầu hết giáo viên dạy tiếng Jrai, Bahnar đều có kỹ năng sư phạm, có ý thức trách nhiệm trong công tác giảng dạy và được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ. Công tác giảng dạy, học tập, kiểm tra, giám sát và cấp chứng chỉ được thực hiện theo đúng quy định. Những học viên nghỉ học quá 20% tổng số tiết học của chương trình hoặc không đạt điểm trung bình trong các kỳ kiểm tra định kỳ không được phép dự thi cuối khóa. Kết thúc khóa học, đơn vị mở lớp thành lập hội đồng kiểm tra cuối khóa đối với 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của học viên để tổng hợp kết quả, xét đề nghị cấp chứng nhận theo quy định.
Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng Jrai, Bahnar, nhất là những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở và cán bộ, công chức tăng cường cơ sở; ngoài ra còn tạo điều kiện thuận lợi cho người được cử đi học như: hỗ trợ một phần kinh phí đi lại, hỗ trợ tiền tài liệu; bố trí nơi ăn, nghỉ phù hợp cho cán bộ, công chức có nhu cầu nội trú... Các ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc huy động các chuyên gia để biên soạn, thẩm định và ban hành tài liệu, giáo trình giảng dạy tiếng Jrai, Bahnar phù hợp với thực tiễn địa phương. Năm 2014, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đã biên soạn, chỉnh sửa bộ giáo trình tiếng Jrai, Bahnar và đưa vào giảng dạy.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều học viên sau khi kết thúc khóa học đã sử dụng kiến thức cơ bản trong giao tiếp, giúp hiểu biết hơn về phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; giao tiếp được với đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
NGỌC HẢI