Bỏ việc văn phòng về trồng mai, thu nhập 500 triệu đồng/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vợ chồng anh Võ Tuấn Dũng (34 tuổi) và chị Lê Thị Kim Quyên (32 tuổi), có công việc ổn định nhưng quyết định xin nghỉ việc về làm nông và sở hữu vườn mai khoảng 5 ha ở xã Bình Lợi, H.Bình Chánh, TP.HCM.

Mỗi ngày người lấm lem bùn đất nhưng hạnh phúc

"Trước khi trở về làm nông nghiệp, vợ chồng tôi là nhân viên văn phòng với công việc ổn định. Chúng tôi cảm thấy không bằng lòng với cảnh phải "chôn chân" trong văn phòng, muốn được làm chủ bản thân, tự do thời gian, được làm những điều mình thích nên lựa chọn nghỉ việc để về vườn", chị Kim Quyên chia sẻ.

Bỏ việc văn phòng về trồng mai, vợ chồng chị Quyên, anh Dũng kiếm được thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ảnh: PHÚC KHA
Bỏ việc văn phòng về trồng mai, vợ chồng chị Quyên, anh Dũng kiếm được thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ảnh: PHÚC KHA

Giai đoạn đầu trồng mai, vợ chồng anh Dũng gặp không ít khó khăn thử thách. Đều là tay ngang, nên cả 2 phải vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm. Đến khi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm tòi học hỏi thêm trên mạng, anh chị mới biết cách chăm sóc để cây mai vàng phát triển tốt và tạo hình dáng bán cho khách hàng.

"Trồng mai phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ngoài biết kỹ thuật chăm sóc, còn tùy thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường. Người trồng mai phải biết o bế, chăm chút tỉ mỉ để trổ hoa đúng dịp tết và đẹp nhất. Để có thể chủ động nguồn giống và tăng thêm thu nhập, tôi tự sản xuất cây mai con và nhân giống", anh Dũng chia sẻ.

Sau 4 năm gắn bó với vườn mai, 2 vợ chồng đã có kinh nghiệm chăm sóc cây, làm gì khi trời mưa hay nắng gắt, tất cả đều phải sắp xếp phù hợp. "Một cây mai phải tốn thời gian trồng từ 2 - 3 năm mới có thể bán ra thị trường. Người trồng mai phải tốn nhiều công sức với việc tưới nước, cắt cành, tạo dáng, phun thuốc diệt trừ sâu bọ… Công việc ở ngoài vườn thì đúng là không bao giờ hết", anh Dũng cho biết.

Anh Dũng tâm sự trồng mai chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Công việc quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". 4 năm trôi qua, khó khăn vất vả của nghề làm vườn, những dãi nắng dầm mưa, vợ chồng anh đã nếm trải đủ cả.

Trải qua khoảng thời gian "về vườn", cặp vợ chồng trẻ dần trở thành những "nông dân chính hiệu". Không còn những bộ đồ công sở, anh Dũng và chị Quyên ngày ngày đi ủng, đội nón, da ngăm hơn, quần áo thì lấm lem bùn đất mỗi khi ra vườn. Nhưng đó là những điều làm nên cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh Dũng ở thời điểm hiện tại.

"Đôi lúc có gặp khó khăn nhưng chưa bao giờ 2 vợ chồng nghĩ sẽ bỏ cuộc và luôn động viên nhau. Hiện tại, chúng tôi có chung một công việc ở nhà để vừa làm, vừa được chăm sóc gia đình nhỏ và lo cho 2 đứa con. Đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất", chị Kim Quyên bày tỏ.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, vợ chồng anh Dũng và chị Quyên đã sở hữu hơn 20.000 cây mai vàng trên diện tích 5 ha. Năm 2022, vườn mai vàng của anh chị mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Nuôi rồng Nam Mỹ để kiếm thêm thu nhập

Bên cạnh trồng mai vàng, vợ chồng anh Dũng còn chăn nuôi rồng Nam Mỹ để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại, anh chị đang nuôi khoảng 100 con rồng Nam Mỹ trong trại rộng 100 m2.

Việc nuôi rồng Nam Mỹ giúp vợ chồng anh Dũng kiếm thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Việc nuôi rồng Nam Mỹ giúp vợ chồng anh Dũng kiếm thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Dũng cho biết: "Chuồng nuôi rồng Nam Mỹ cần đặt ở nơi có ánh nắng chiếu vào thường xuyên vì loài này ưa nhiệt. Không nên nhốt chung hai con, chúng sẽ tấn công nhau".

Theo anh Dũng, rồng Nam Mỹ thường ăn rau xanh và trái cây. Mỗi năm, rồng Nam Mỹ đẻ một lần với số lượng khoảng 45 - 60 trứng. Rồng Nam Mỹ nuôi khoảng 3 - 4 năm có thể đạt kích thước từ 150 - 170 cm, nặng từ 6 - 8 kg. Những con mới nở được bán với giá từ 500.000 đồng trở lên, con trưởng thành thì tùy vào hình dáng, kích thước sẽ có giá khác nhau.

Để rồng Nam Mỹ mau lớn, màu sắc đẹp, anh Dũng cho biết người nuôi phải chú ý đến nhiệt độ, môi trường phù hợp và cho ăn đủ chất dinh dưỡng. Trái với vẻ ngoài trông khá hung hãn, loài bò sát này này rất hiền và dễ nuôi. Thông thường, rồng Nam Mỹ sau 2 tuổi có thể cho sinh sản. Từ một cặp rồng Nam Mỹ, anh Dũng làm trại để nhân giống, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

"Với quyết định nghỉ việc về làm vườn, gia đình không phản đối mà chỉ sợ chúng tôi vất vả, không quen với công việc lấm lem bùn đất. Chúng tôi rất biết ơn vì ba mẹ luôn bên cạnh ủng hộ, động viên, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn", chị Kim Quyên bày tỏ.

Công việc bận rộn, quanh năm không có ngày nghỉ nhưng anh chị vẫn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Khi ra vườn thấy cây cối tốt tươi, những con rồng Nam Mỹ đang lớn lên mỗi ngày là niềm hạnh phúc rất lớn của vợ chồng anh Dũng.

Với sự chịu thương, chịu khó, đồng vợ, đồng chồng trong công việc và chăm lo cho các con, vợ chồng anh Dũng được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam H.Bình Chánh tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu H. Bình Chánh trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021).

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.