Bỏ phố về quê, ông chủ 8X kiếm tiền tỷ nhờ sản xuất bột rau củ sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đang làm phóng viên, quay phim được “bay nhảy” khắp nơi, anh Trần Quý Nam (32 tuổi, Thái Bình) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi bỏ ngang về quê “ôm” cối đá nghiền bột rau củ.
Độc hành khởi nghiệp, kiệt sức nhưng không bỏ cuộc
Trò chuyện với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, anh Nam cho biết, từ nhỏ anh đã cùng bố mẹ đi buôn bán, lập nghiệp xa, trong người vốn đã có “máu kinh doanh”. Cộng thêm thời gian làm báo, anh được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người làm nông nghiệp công nghệ cao, giúp anh tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, đồng thời thôi thúc anh thực hiện ý tưởng khởi nghiệp.      
 
Anh Trần Quý Nam chủ cơ sở sản xuất bột rau củ nguyên chất.
Anh Trần Quý Nam chủ cơ sở sản xuất bột rau củ nguyên chất.
Thời điểm năm 2014, bột trà xanh Nhật Bản (matcha) xuất hiện và “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam. Loại bột tự nhiên này được người tiêu dùng sử dụng chủ yếu để làm đẹp, giảm cân, tạo hương vị, màu cho thực phẩm.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, anh Nam quyết định khởi nghiệp với sản phẩm bột trà xanh Việt Nam. Nằm vùng tại Thái Nguyên – nơi được coi là vùng chè lớn nhất Việt Nam, anh Nam tìm hiểu về nguyên liệu và nghiên cứu quy trình sản xuất bột matcha của người Nhật Bản.
Anh Nam cho biết: "Càng tìm hiểu anh thấy matcha không đơn thuần là một loại bột đơn thuần, đó còn là tinh hoa văn hóa Nhật Bản. Anh học được cách người Nhật dành tất cả tâm huyết, sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng búp trà để tạo ra sản phẩm tốt nhất".
 
Cơ sở đầu tư 2 tỷ cho hệ thống máy móc nhằm sản xuất bột rau củ công nghệ cao
Cơ sở đầu tư 2 tỷ cho hệ thống máy móc nhằm sản xuất bột rau củ công nghệ cao
Quy trình sản xuất bột trà xanh cơ bản gồm các khâu như sau: Thu hái búp trà non; làm sạch; hấp; sấy; tách phôi (bỏ gân lá, cuống lá); nghiền trà được nghiền mịn với cối xay bằng đá grannit tạo thành bột.
Không đủ vốn mua công nghệ của Nhật, cũng không muốn làm ra sản phẩm hời hợt, anh Nam mất 2 năm đi khắp các tỉnh thành để tìm ra loại đá để chế tạo máy nghiền, đảm bảo tạo ra chất lượng bột mịn mà vẫn giữ nguyên màu sắc tự nhiên.
 
Loại đá grannit có khả năng chịu lực, cho chất lượng bột mịn và giữ màu tốt.
Loại đá grannit có khả năng chịu lực, cho chất lượng bột mịn và giữ màu tốt.
Những ngày đầu khởi nghiệp “khổ tận cam lai”, thất bại liên tiếp gọi lên, anh Nam nhiều lần suy sụp nhưng không cho phép bản thân mình bỏ cuộc. Mẻ bột trà xanh “chuẩn” đầu tiên đến tay người tiêu dùng được đón nhận, đánh giá cao và bắt đầu cho lợi nhuận.
Lối nhỏ cho bước đi đột phá
Thời điểm đó, thị trường bột trà xanh như miếng bánh ngọt béo bở mà nhiều ông lớn muốn nhảy vào. Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, anh Nam tìm những hướng đi mới cho doanh nghiệp và xác định rõ đối tượng khách hàng.
Anh Nam chia sẻ: “Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhưng nông sản của chúng ta chưa có giá trị cao do chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa có sự đặc sắc, đa dạng trong cách chế biến cao. Tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm mang hội tụ nét đẹp văn hóa Việt, tinh hoa sản xuất để nâng cao nông sản. Đồng thời, hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe”.
Trong bước đi mới này, anh Nam vạch rõ lộ trình sản phẩm từ đầu vào – chế biến – đầu ra. Nguyên liệu tươi được công ty thu mua từ các cơ sở, HTX sản xuất nông sản sạch, không tồn dư các chất hóa học, có chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, quy trình sản xuất khép kín, tự động hóa lên đến 90%. Sau khi được chế biến theo công nghệ cao, giá trị nông sản tăng lên đáng kể.
Cụ thể, bột bạc hà, cải xoăn, cần tây, dâu tây, chùm ngây, đậu biếc… đều có giá hơn 2 triệu đồng/kg.Với mong muốn “đổi đời” cho nông sản Việt, anh Nam mạnh dạn đầu tư 2 tỷ vào máy móc, công nghệ chế biến đa dạng sản phẩm bột rau củ như bột rau má, bột bạc hà, bột dâu tây, bột chùm ngây, bột tía tô, bột diếp cá… Những sản phẩm mới này tập trung vào đối tượng khách hàng quan tâm theo xu hướng thực dưỡng, “Eatclean” (Ăn sạch, sống khỏe) nhưng bận rộn, không có thời gian chế biến.
 
Sau khi chế biến, bột bạchà có giá trị 2,2 triệu đồng/kg.
Sau khi chế biến, bột bạchà có giá trị 2,2 triệu đồng/kg.
Vốn có sẵn “món nghề” truyền thông, marketing, anh Nam tiếp cận khách hàng song song kênh online và offline. Hiện nay, sản phẩm bột rau đã có mặt rộng rãi trên các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mà còn phủ sóng trên kênh bán hàng online như website, fanpage, các trang thương mại điện tử như shoppee, lazada, tiki…
Sau gần 6 năm gắn bó với nông sản, đến nay cơ sở sản xuất bột rau củ của anh Nam đều đặn bán ra thị trường 12 - 15 tấn bột mỗi năm, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng. Hiện tại, 95% doanh thu công ty thu được từ thị trường trong nước, 5% xuất khẩu qua thị trường Hàn Quốc, Đài Loan.
Những bước chân đầu tiên trên thị trường quốc tế, anh Nam trăn trở: “Để có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế, chúng ta có thể toàn cầu hóa sản phẩm bằng cách tạo dựng thương hiệu dễ nhớ, dễ gần, minh bạch quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì bắt mắt. Từ đó, chắp cánh cho nông sản Việt đi xa hơn, để bạn bè quốc tế biết rằng không chỉ ở những nước tiên tiến như Nhật, Israel, Mỹ mới có những sản phẩm tốt, Việt Nam cũng làm được.”
Xuân Mai (Thời báo Kinh doanh/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…