Bộ Công thương "cởi trói" cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Động thái cắt bỏ 675 giấy phép con của Bộ Công thương đã đem lại sự hồ hởi không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp mà cả người dân. Người dân được củng cố niềm tin vào chủ trương Chính phủ cải cách và hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyện cắt bỏ giấy phép con không phải chỉ vài năm nay mới nói tới mà đã được đặt vấn đề cách đây 20 năm. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc cắt bỏ giấy phép con đã được đặt ra. Tuy nhiên, cứ như trái bóng cao su được bơm căng, bóp chỗ này phồng chỗ khác, bỏ giấy phép này thì sinh ra giấy phép kia để bù vào. Kết quả là càng bỏ, số giấy phép con càng tăng lên. Và cuối cùng là hàng ngàn giấy phép nối nhau ra đời, doanh nghiệp oằn vai gánh chịu. Theo kết quả của một khảo cứu bỏ túi, cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp phải lo chạy chọt để giải quyết thủ tục hành chính. Số tiền “bôi trơn” này chiếm tới 10% doanh thu của doanh nghiệp. Như vậy thì còn đâu lời lãi, còn đâu để doanh nghiệp tái sản xuất, nói chi đến cạnh tranh!

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giấy phép càng nhiều, diễn giải luật càng tù mù thì cán bộ, công chức càng thuận lợi trong việc nhũng nhiễu doanh nghiệp. Thời gian doanh nghiệp mất vào đây vô cùng lớn. Đã có doanh nghiệp mất tới 5 tháng trời mới được cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm. Vậy thì còn đâu năng suất lao động?

Trong các cuộc đàm phán khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế như: WTO, AFTA, BTA… bên cạnh yêu cầu xem xét giảm các loại thuế, đưa thuế nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng về 0% thì một nội dung đàm phán khác khá căng thẳng là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, trong đó điểm trọng yếu chính là cắt giảm giấy phép con hay còn gọi là “điều kiện kinh doanh”. Bởi lẽ, chỉ có đơn giản thủ tục hành chính, quản lý minh bạch thì mới xóa bỏ được sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.

Dẫu có “nhập gia tùy tục” nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vẫn được bảo hộ bởi một số quyền do quốc tế quy định và cả thế giới phải tuân theo. Doanh nghiệp nước ngoài còn có thể dựa vào đó để bảo vệ mình. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chẳng còn chỗ nào để bấu víu nếu bị gây khó. Vậy thì doanh nghiệp trong nước còn đâu sức lực để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu?

Mặc dù muộn nhưng Bộ Công thương đã làm được điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phải nói rằng, một cây làm chẳng nên non, mà phải đông tay mới vỗ nên kêu. Bộ Công thương có động thái như vậy rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu các bộ, ngành khác cũng nhìn ra và hành động tương tự. Có như vậy thì doanh nghiệp Việt mới thực sự được cởi trói, được tiếp thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để tự tin bước vào cuộc chơi cạnh tranh với thế giới.

Theo thống kê, các bộ hiện có 5.719 giấy phép con, ngôn ngữ quản lý gọi là “điều kiện kinh doanh”. Bộ Công thương có 1.220 giấy phép con, có nghĩa là các bộ còn lại chia nhau 4.500 giấy phép. Vậy, sau hành động “nêu gương” của Bộ Công thương, kế đến bộ nào sẽ thể hiện thiện chí?

Hy vọng các bộ, ngành khác sẽ cùng tham gia câu chuyện mà Bộ Công thương đã khởi xướng. Hiểu được chủ trương về một Chính phủ hành động và liêm khiết, thật sự cầu thị, dám hy sinh quyền lợi quản lý, nhìn thấy trách nhiệm với doanh nghiệp thì các bộ, ngành sẽ không đến nỗi quá khó khăn khi cắt bỏ giấy phép con.

Đặng Vỹ

Có thể bạn quan tâm