(GLO)- Sáng 5-3, tại Núi Bà, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) hàng vạn du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đã nô nức đổ về hành hương tại lễ hội chùa Ông Núi để cúng lễ, cầu tài lộc và cùng nhau trẩy hội.
Chùa Ông Núi gắn liền với nhiều sử tích đặc biệt. Ảnh: Sơn Đông. |
Đây là lễ hội chỉ diễn ra duy nhất vào 24 và 25 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Tờ mờ sáng, nhiều tuyến đường dẫn về chùa Ông Núi như tuyến tỉnh lộ 633 và 638 chen chật kín dòng người.
Tương truyền, chùa Ông Núi (tên chữ là Linh Phong thiền tự) tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung-đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, về phía Đông Nam của xã Cát Tiến. Sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác-Thiện Trì) đến núi này tu hành. Sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên chùa Ông Núi.
Ngay từ sáng sớm con đường gập ghềnh nằm sâu trong núi dẫn về chùa Ông Núi đông nghịt khách. Ảnh: Sơn Đông |
Lễ hội chùa Ông Núi diễn ra vào tháng giêng Âm lịch, đây chính là ngày giỗ của Hòa thượng Thích Trừng Tịnh, một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chùa.
Và, du khách muốn đặt được chân lên chùa phải đi hết hơn trăm bậc đá tính từ chân núi lên đến đỉnh. Đứng trước sân chùa du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ núi rừng giữa đại ngàn. Xa xa những gợn sóng xô vỗ bờ phía Đông biển Trung Lương.
Mọi người về chùa ông Núi cầu tài, cầu lộc. Ảnh: Sơn Đông |
Chưa dừng lại ở đó, du khách đặt chân lên chùa Ông Núi sẽ được thỏa sức ngắm nhìn cảnh đầm Thị Nại long lanh nước trải dưới ánh sáng của một ngày nắng đẹp, xen lẫn vào khung cảnh nên thơ là những mái nhà chen giữa đồng lúa xanh… Tất cả đã mang đến vẻ đẹp uy nghiêm, hùng vĩ của chùa Ông Núi.
Và, hằng năm cứ đến 24 và 25 tháng Giêng âm lịch mọi người lại cùng nhau ngược về đỉnh Bô Chinh đại sơn (núi Bà), đi hội chùa Ông Núi.
Sơn Đông