(GLO)- Sinh thời Bác Hồ dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thực hiện lời dạy của Bác và kế tục sự nghiệp giữ biển của ông cha ta xưa, bao thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương cho công cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của chúng ta. Và từ biển, dựa vào tiềm năng của biển để khai thác, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, tạo nên một Việt Nam cho đến ngày nay được coi là một quốc gia biển với đầy đủ nghĩa của nó theo luật pháp quốc tế!
Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Dung |
Biển và hải đảo của Việt Nam nằm trong biển Đông, bao gồm nhiều khu vực khác nhau, nhưng nổi bật và có những đặc điểm riêng có cần chú ý hơn là các vùng vịnh như Bắc Bộ, Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như một số đảo khác... Như chúng ta đã biết, vịnh Bắc Bộ nằm về phía Tây-Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển và hải đảo của miền Bắc Việt Nam ở phía Tây; bởi lục địa Trung Quốc ở phía Bắc; bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam (Trung Quóc) ở phía Đông. Vịnh Bắc bộ tương đối nông, độ sâu trung bình chỉ khoảng từ 40 mét đến 50 mét, nơi sâu nhất cũng khoảng 100 mét, đáy biển khá bằng phẳng. Thềm lục địa phần kéo dài tự nhiên của Việt Nam ra biển khá rộng. Ven bờ của vịnh này có hàng ngàn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Bạch Long Vĩ cách đất liền của chúng ta 110 km; vịnh Bắc Bộ có nhiều nguồn lợi hải sản và tiềm năng dầu khí. Tại vịnh này có hai cửa thông ra bên ngoài, đó là cửa phía Nam thông ra trung tâm Biển Đông, nơi hẹp nhất rộng chừng 240 km và cửa phía Đông qua eo biển Quỳnh Châu ra phía Bắc Biển Đông, chỗ hẹp nhất là 18 km.
Còn vịnh Thái Lan thì nằm về phía Tây Nam của Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Vịnh này cũng không sâu lắm, nơi sâu nhất chỉ vào khoảng trên 80 mét. Diện tích của vịnh là 293.000 km2. Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam nằm trong vùng vịnh này-diện tích lên đến 567 km2; ở đây cũng là vùng biển có nhiều nguồn lợi hải sản và tiềm năng dầu khí lớn.
Nói về các đảo và quần đảo, thì Việt Nam có số lượng rất lớn, chỉ tính các đảo ven bờ đã có khoảng 2.773 hòn đảo lớn nhỏ. Ngoài ra còn có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông. Có thể phân thành nhóm các đảo và quần đảo theo các điều kiện tự nhiên, địa lý, dân cư, kinh tế..., đó là hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại hệ thống các đảo này, theo các nhà chiến lược quốc phòng, có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta; kiểm tra hoạt động của tàu thuyền, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó có thể được coi là hệ thống các đảo và quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Bạch Long Vĩ...
Nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển, 12 huyện đảo. Đây là những đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố có biển, đó là (tính từ Bắc vào Nam): Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. |
Các đảo lớn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, đó là các đảo: Các Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... Nhóm đảo khác, gần bờ, gần đất liền, như huyện đảo Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang)... thì quy hoạch, đầu tư thích đáng cho việc phát triển kinh tế, cụ thể là nghề đánh bắt cá, du lịch biển và những nơi này cũng chính là những căn cứ để kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự trên vùng biển và bờ biển nước ta.
Hiện nay, tình hình khai thác, đánh bắt cá, nhất là đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân chúng ta chưa xứng tầm với tiềm năng về kinh tế biển. Việc đầu tư cho tàu thuyền, ngư cụ và trình độ chuyên nghiệp của nghề cá còn nhiều điểm yếu, không theo kịp các nước ven biển trong khu vực. Đó là điều mà nhà nước, chính quyền và ngư dân cần phải khắc phục; đặc biệt là phía nhà nước, nên có những chính sách phù hợp, đúng đắn để giúp ngư dân có điều kiện phát triển nghề đánh bắt hải sản, nó cũng đồng thời là việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta như lời Bác Hồ đã từng dạy: “...Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”!
Bích Hà