Nhận định về tình hình làn sóng Covid-19 thứ 2 trên thế giới và tại Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết F0 của đợt lây nhiễm ở Đà Nẵng phải là từ nước ngoài vào, qua việc nhập cảnh trái phép đường bộ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. |
Theo Bí thư Nhân, Việt Nam đã kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng rất tốt, do đã phát hiện kịp thời các ca nhiễm F0 từ nước ngoài về và F1 từ trong nước, cách ly triệt để tất cả các ca F0, F1, F2, cùng với các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn, đã giữ cho số người lây nhiễm, phải điều trị ở mức rất thấp. Lúc cao nhất cũng chỉ có 178 người phải điều trị, tức là 1,8 người/1 triệu dân, thấp xa ngưỡng an toàn là 10 người nhiễm đang được điều trị/1 triệu dân.
Trước ngày 20/7, Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, còn người từ nước ngoài về Việt Nam luôn được cách ly triệt để, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Vì vậy, sự việc từ ngày 22/7 xuất hiện hàng loạt ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và từ đó lan sang các địa phương khác có nghĩa là: F0 do đợt lây nhiễm ở Đà Nẵng phải là từ nước ngoài vào, qua việc nhập cảnh trái phép đường bộ.
Chỉ riêng tháng 7, tại Đà Nẵng và TP.HCM đã có hàng trăm người nhập cảnh trái phép bằng đường bộ từ một nước đã có dịch Covid-19. Đây chính là yếu tố hoàn toàn khác việc hình thành làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 1.
Các F0 từ nước ngoài không được kiểm soát vào Việt Nam đã làm phát sinh hàng loạt F1 dương tính và tạo ra sự bùng phát lây nhiễm tại Việt Nam từ ngày 22/7 đến nay.
Làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 ở Việt Nam, với tâm điểm là Đà Nẵng, là sự khác biệt rất lớn về quy mô và tính chất so với làn sóng thứ nhất. Chỉ sau 17 ngày, số ca nhiễm mới phải được điều trị đã là 384 ca, hơn gấp 2 lần đỉnh dịch lần thứ 1 là 178 ca, mà vẫn chưa đạt đỉnh dịch lần 2. Đã có 11 người chết, trong khi trước ngày 22/7, Việt Nam không có ca nào tử vong.
Khi làn sóng 1 đạt đỉnh chỉ có 178 người được điều trị, tỷ lệ là 1,8 người/1 triệu dân, trong khi lần này, tại Đà Nẵng, tỷ lệ người điều trị là 150 người/1 triệu dân, gấp 15 lần ngưỡng an toàn dịch là 10 người điều trị/1 triệu dân.
Với 132 người đã nhiễm/1 triệu dân, 124 người đang được điều trị ở bệnh viện/1 triệu dân, 4,16 người chết/1 triệu dân, Quảng Nam - Đà Nẵng đã trở thành vùng dịch thực sự.
Bí thư Nhân cho biết, để dập dịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng và tiếp tục giữ cho Việt Nam là nước không có dịch, thái độ và phương pháp phòng, chống dịch với Quảng Nam, Đà Nẵng và các địa phương khác phải được bổ sung so với giai đoạn làn sóng lây nhiễm lần thứ 1.
"Hiện nay, chúng ta đã qua hơn 4 tháng từ khi đạt đỉnh làn sóng thứ nhất (ngày 30/3). Như vậy, nếu chúng ta quyết liệt dập dịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng và phòng dịch ở các địa phương khác, khoảng 2 - 3 tuần nữa, chúng ta có thể ngăn chặn được đáng kể sự lây nhiễm trong cộng đồng, làn sóng thứ 2 đạt đỉnh khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Sau đó, mức độ lây nhiễm sẽ giảm dần", Bí thư Nhân nhận định.
Theo đó, có thể xác định nhiệm vụ tại chỗ hiện nay là: Dập dịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng, cách ly Quảng Nam, Đà Nẵng với các địa phương khác trong 2 - 3 tuần tới; Kiểm soát gắt gao nhất biên giới đường bộ của Việt Nam, cương quyết không cho xảy ra nhập cảnh trái phép trong 6 tháng tới. Các địa phương về địa lý giáp ranh với Quảng Nam, Đà Nẵng là địa phương có nguy cơ dịch cao, triển khai các giải pháp phù hợp (Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Quảng Ngãi), Các tỉnh, thành phố khác, tùy mức độ giao lưu về con người với Quảng Nam, Đà Nẵng trong một tháng qua mà triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp theo 3 phương châm phòng dịch.
Bộ Y tế là đầu mối đấu thầu tập trung toàn bộ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men cho phòng dịch cả nước và dập dịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh, thành đặt hàng. Bộ Y tế cung ứng nhanh, đảm bảo chất lượng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đưa ra dự báo diễn biến lây lan Covid-19 ở nước ta 3 ngày và 1 tuần 1 lần, xác định các biện pháp cần triển khai trong cả nước, ở các ngành và các địa phương.
Bạch Dương (Dân Việt)