Bất cập từ Dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án cấp nước tưới cho cây càphê tại thôn Tiến Cường, Xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng đã được hoàn thành ngày 26/8/2020 nhưng bộc lộ nhiều bất cập.

Hệ thống lọc bùn ly tâm của công trình Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Hệ thống lọc bùn ly tâm của công trình Cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo hồ sơ, Dự án cấp nước tưới cho cây càphê tại thôn Tiến Cường, Xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 65 tỷ đồng (tháng 12/2019 điều chỉnh tăng mức đầu tư lên hơn 72 tỷ đồng) từ vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được khởi công ngày 26/12/2019 và hoàn thành ngày 26/8/2020.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế và đến nay vẫn chưa thể hoàn thành để đưa vào sử dụng. Điều nghịch lý là công trình đã gây lãng phí nguồn vốn, bất cập trong thời gian dài nhưng hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn tranh cãi "đúng-sai" thay vì tập trung khắc phục những tồn tại của công trình.
"Ngổn ngang" bất cập
Công trình cấp nước tưới cho cây càphê tại thôn Tiến Cường do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công từ tháng 7 đến tháng 11/2020 khi tiến hành thử áp đường ống dẫn nước, vận hành thử đã xảy ra sự cố vỡ ống và rò rỉ nước tại khớp nối ở 13 vị trí trên tuyến ống dẫn nước dài hơn 4,5km. Ngay sau đó, tư vấn giám sát đã lập biên bản và cho đào thay thế ống, khớp nối. Đến tháng 11/2020 tiếp tục cho thử mở nước và chỉ sau một ngày lại xảy ra sự cố vỡ đường ống ở các vị trí khác.
Trước sự cố nghiêm trọng xảy ra trong quá trình thi công, tháng 12/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định thành lập Đoàn kiểm tra số 3465 (Đoàn 3465) do Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk làm Trưởng đoàn nhằm kiểm tra, xử lý những tồn tại của dự án.
Kết quả kiểm tra của Đoàn 3465 được ban hành ngày 15/4/2022 cho thấy, trong quá trình triển khai dự án, hầu hết ở các khâu đều tồn tại, hạn chế, thậm chí một số hạng mục thi công không đúng với thiết kế của công trình, khiến công trình liên tục gặp sự cố khi vận hành thử.
Kết luận của Đoàn 3465 chỉ rõ: Đối với thiếu sót trong triển khai thi công xây dựng, Nhà thầu thi công đã sử dụng các loại co 90 độ và chếch 150 độ, để xử lý thay đổi hướng tuyến trên mặt bằng và mặt đứng, dẫn đến vị trí tuyến ống có nhiều thay đổi so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt… Việc thay đổi của nhà thầu thi công so với hồ sơ thiết kế bản vẽ đều chưa có sự thống nhất của đơn vị tư vấn thiết kế.
Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng và chuyển giao công nghệ chưa tuân thủ công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; thiếu trách nhiệm trong quá trình giám sát để đơn vị thi công xây dựng công trình không đúng với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt.
Báo cáo cũng nêu rõ: hồ sơ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công mà đơn vị tư vấn thiết kế lập là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Cenco có nhiều điểm không đảm bảo các yêu tố kỹ thuật của công trình. Tuy nhiên, đơn vị thẩm tra thiết kế là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng và Thương mại NEWSTECH chưa xem xét, kiểm tra, tính toán lại kết quả của đơn vị tư vấn thiết kế.
Mặc khác, đơn vị thẩm định là Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk) không phát hiện và để xảy ra nhiều thiếu sót khi triển khai thi công dự án. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quản lý dự án Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất các tỉnh Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư) đã thực hiện quản lý dự án chưa đảm bảo chặt chẽ để xảy ra các tồn tại của dự án.
Đoàn Kiểm tra 3465 xác định nguyên nhân của sự cố vỡ ống và rò rỉ nước tại khớp nối trong quá trình thử áp, vận hành thử là do những tính toán, thiếu sót của thiết kế cộng thêm việc triển khai thi công không đúng và thiếu một số cấu kiện so với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Điều đáng nói, kết luận của Đoàn 3465 khẳng định: "Trường hợp triển khai thi công đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt ban đầu, công trình cũng không thể đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng."
Từ kết luận của Đoàn Kiểm tra 3465 có thể thấy chỉ một công trình tưới nước cho cây cà phê nhưng tồn tại quá nhiều bất cập ngay từ khi "thai nghén" đến lúc "định hình", gây hậu quả là một công trình khó có thể đưa vào sử dụng an toàn và phát huy công năng. Do đó, dư luận có quyền được nghi vấn: Phải chăng năng lực của các bên tham gia dự án yếu kém hay có sự vô trách nhiệm, tiêu cực, thậm chí dấu hiệu vi phạm… từ chủ đầu tư đến các đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và quản lý dự án?
Chậm xử lý
Giữa "ngổn ngang" bất cập đã được Đoàn kiểm tra 3465 kết luận, thay vì tập trung khắc phục khuyết điểm công trình thì các bên liên quan vẫn còn nhiều tranh cãi, dẫn đến việc xử lý vụ việc có phần chậm trễ. Đặc biệt, đây là công trình được triển khai từ nguồn vốn ADB, nếu chậm khắc phục tồn tại, không đảm bảo chất lượng công trình sẽ mất uy tín và gây khó khăn trong việc vay vốn ưu đãi từ ADB để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi có kết luận của Đoàn kiểm tra 3465, ngày 26/4/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh (chủ đầu tư dự án) đã có văn bản số 1159/SNN-CSHT trình Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Trong đó "tranh cãi" về một số vấn đề trong kết luận của Đoàn kiểm tra 3465 cho rằng, một số nội dung liên quan đến kỹ thuật mà Đoàn kiểm tra kết luận là chưa chính xác, chưa thỏa đáng.

Ngày 9/5, Đoàn công tác của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra thực tế tại công trình. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Ngày 9/5, Đoàn công tác của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra thực tế tại công trình. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Đồng thời thừa nhận, việc xử lý các vấn đề tồn tại của công trình này đã rất chậm trễ kể cả việc chờ đợi kết luận của Đoàn kiểm tra 3465 kéo dài trong 4 tháng cũng làm chậm thời gian xử lý hạn chế, thiếu sót của công trình. Văn bản của chủ đầu tư cũng khẳng định, đơn vị đang tập trung khắc phục sự cố, thiếu sót của công trình, nếu nhà thầu nào còn đùn đẩy trách nhiệm, né trách sẽ thực hiện các chế tài cần thiết để xử lý.
Rõ ràng, quá trình triển khai công trình đã có "lỗi hệ thống" từ chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thẩm định đến các nhà thầu tham gia vào dự án dẫn đến hàng loạt bất cập của công trình tồn tại trong thời suốt gian dài mà đến nay vẫn "rối như tơ vò." Đáng nói, dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk liên tục chỉ đạo, nhắc nhở về việc xác định và xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, sớm khắc phục tồn tại của công trình nhưng đến nay vấn đề này vẫn "nằm im trên giấy."
Cụ thể, ngày 2/6/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra sự cố tại Dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường. Đến ngày 9/11/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có văn bản yêu cầu xử lý những tồn tại của dự án. Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian khá dài thì việc xử lý trách nhiệm vẫn chưa được triển khai và các vấn đề tồn tại của công trình vẫn còn gây "tranh cãi."
Trong khi các cơ quan nhà nước vẫn chưa thống nhất phương án xử lý hạn chế, thiết sót của công trình thì chính quyền và người dân trong vùng hưởng lợi dự án đang từng ngày "ngóng chờ" công trình đi vào hoạt động.
Ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Tiến cho biết theo kế hoạch dự án cấp nước cho khoảng 350ha càphê của nhân dân xã Quảng Tiến, do đó đặt nhiều hy vọng vào dự án để giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất. Tuy nhiên, sau thời gian khá dài dự án vẫn chưa hoàn thành, chính quyền địa phương và nhân dân mong muốn các cấp, ngành liên quan nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những tồn tại của công trình, sớm đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân.
Ngày 5/5 vừa qua, các vấn đề liên quan đến dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thường kỳ tháng Tư vừa qua của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng những tồn tại của dự án đến nay vẫn chưa được xử lý là quá chậm trễ. Đồng thời khẳng định, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ kiểm tra lại các nội dung liên quan để sớm đưa ra hướng xử lý theo quy định.
Liên quan đến công trình trên, ngày 9/5/2022, Đoàn công tác của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kiểm tra thực tế tại công trình. Ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết thời gian qua dư luận, nhân dân đã phản ánh nhiều thông tin liên quan đến những tồn tại của dự án này.
Do đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức khảo sát công trình, nắm tình hình thực tế nhằm đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh giải trình, trả lời chất vấn trước Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới để có câu trả lời trước Hội đồng Nhân dân, cử tri và nhân dân quan tâm. Sau đó, Hội đồng Nhân dân sẽ có kiến nghị để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan để có hướng xử lý phù hợp.
Theo Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.