(GLO)- Trong những năm qua, công tác bảo tồn voi nhà của tỉnh Đak Lak đã đạt được một số kết quả bước đầu, đó là đã được các cá nhân, tổ chức nước ngoài quan tâm giúp đỡ về kỹ thuật, đào tạo chuyên môn thú y cho cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đak Lak; đàn voi đã được quản lý chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng tốt hơn, số voi bệnh đã được điều trị kịp thời và phục hồi sức khỏe. Qua các đợt khám định kỳ và điều trị đột xuất đã hạn chế được phần nào voi chết vì bệnh tật, già yếu làm cơ sở nghiên cứu sinh sản voi nhà theo đường tự nhiên, ý thức trách nhiệm nuôi dưỡng của chủ voi, nài voi được nâng lên…
Công tác bảo tồn voi ở Đak Lak vẫn còn đó nhiều thách thức lớn. Ảnh: Bá Thăng |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn voi ở Đak Lak vẫn còn nhiều hạn chế, như voi nhà chưa sinh sản được, hàng năm vẫn bị chết… Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh thì từ năm 2012 đến nay đã có 12 voi nhà bị chết, riêng 6 tháng đầu năm 2015 đã có 5 con voi nhà bị chết với các nguyên nhân như: voi chết do già yếu 5 con; chết do tai nạn khi chăn thả tại những khu vực đồi núi cao 2 con; chết do sát hại 1 con; chết do suy nhược 2 con và 2 con chết không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, do áp lực về kinh tế, các chủ xem voi là lao động chính trong gia đình nên đã dùng voi để khai thác phục vụ du lịch quá sức cũng là nguyên nhân tác động xấu tới sức khỏe và tuổi thọ của voi.
Hiện nay toàn tỉnh Đak Lak có 43 cá thể voi nuôi, trong đó có 25 cá thể cái và 18 cá thể đực, nuôi tại huyện Buôn Đôn 24 cá thể và huyện Lak 19 cá thể; số voi trong độ tuổi sinh sản từ 20 đến 40 tuổi có 25 cá thể, gồm 9 cá thể đực và 16 cá thể cái; số voi trong độ tuổi không còn khả năng sinh sản trên 40 tuổi có 18 cá thể, gồm 9 cá thể đực và 9 cá thể cái.
Trong những năm qua, số lượng đàn voi nhà ở Đak Lak liên tục giảm không ngừng, cụ thể: Năm 1985 có 502 con, năm 1997 còn 115 con, năm 2000 giảm còn 84 con, năm 2006 còn 64 con, năm 2009 giảm còn 61 con và đến năm 2015 chỉ còn có 43 con, trong đó có 25 con còn khả năng sinh sản. |
Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên, đó là do ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện chính sách rất hạn chế; nguồn thức ăn từ tự nhiên cho voi ngày càng khan hiếm do diện tích rừng tự nhiên nơi chăn thả truyền thống của voi ngày càng bị thu hẹp; nguồn lực đầu tư cho các khu chăn thả tự nhiên chưa thực hiện được; trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn voi còn hạn chế; số lượng voi nuôi còn quá ít; tuổi của voi đã lớn và qua thời gian dài không được quan tâm đúng mức là nguyên nhân cơ bản cản trở việc thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển đàn voi nhà hiện nay cũng như trong tương lai trên địa bàn.
Công tác bảo tồn voi nhà đã đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên, đàn voi nhà vẫn tiếp tục suy giảm nhanh qua các năm, điều này vẫn là bài toán thách thức công tác bảo tồn voi tại nơi đây. Do vậy, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong việc hiến kế, đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn voi có hiệu quả trong thời gian tới.
Bá Thăng