Bảo Lộc: Viên ngọc thô chờ mài giũa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bảo Lộc cần sự chung tay đầu tư, xây dựng một cách bài bản để trở thành trung tâm kết nối giữa 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

 

Ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nói với Báo Người Lao Động như vậy khi hướng đến mục tiêu quy hoạch phát triển Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II vào năm 2020, đô thị loại I vào năm 2035.

Hướng đến đô thị sinh thái

Chỉ cao hơn 800 m so mặt nước biển nhưng nếu đến Bảo Lộc những ngày này, người ta có cảm giác thật dễ chịu. Không lạnh như TP cùng tỉnh cách đó gần 100 km - Đà Lạt và cũng không nóng như Đồng Nai hay Bình Phước, Bảo Lộc có nét duyên kiểu nữ sinh choàng chiếc khăn voan mỏng bước vào giảng đường lúc sáng sớm, yêu kiều, nhẹ nhàng và tha thướt.

Ông Triệu phá lên cười khi nghe tôi nhận xét về Bảo Lộc và cho biết một đô thị sinh thái, hiện đại sẽ là đích đến của TP này trong tương lai. Bảo Lộc sẽ phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao với đồi chè, nương dâu và những hồ nước mát lành. "Về chủ trương, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhà đầu tư xây dựng một TP Bảo Lộc theo hướng này. Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, nước đã được quy hoạch, đấu nối tới tận chân khu vực đề xuất dự án; nhà đầu tư chỉ việc nghiên cứu và đề xuất quy mô của dự án cho phù hợp theo tiêu chuẩn một đô thị xanh, hiện đại để được phê duyệt là triển khai" - ông Nguyễn Văn Triệu khẳng định.

Tuy nhiên, Bảo Lộc vẫn còn là viên ngọc thô chưa được mài giũa. Các dự án nơi đây chưa tôn được vẻ đẹp vốn có của Bảo Lộc. Dù vậy, ông Triệu tin rằng ngày ấy sẽ không còn xa và bật mí có 4 dự án lớn ở địa phương đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm.

Cụ thể, tại phường 1 là dự án "Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao" tại khu đất hơn 10.000 m2, nằm trên trục đường Lê Hồng Phong với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, văn phòng cho thuê. Dự án thứ 2 là "Sân bay Lộc Phát". Từ sân bay quân sự trước đây với diện tích khoảng 100 ha, TP đang muốn hình thành sân bay cấp 3C để phục vụ bay thương mại và đặc biệt là kết hợp bay thể thao, dù lượn. Ngoài ra, từ khu đất hoàn nguyên sau khai thác khoáng sản rộng hơn 200 ha ở Lộc Phát và Lộc Thắng, Bảo Lộc đang đang cho quy hoạch sân golf theo tiêu chuẩn quốc tế để đón dòng khách nước ngoài đến đây nghỉ dưỡng. Đặc biệt, khu vực phía Nam của TP Bảo Lộc, hướng về địa phận xã Lộc Châu, xã Đại Lào sẽ là tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái với diện tích 300 ha.

 

 Tơ lụa là sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Bảo Lộc
Tơ lụa là sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Bảo Lộc



Lan tỏa hương trà, sắc tơ

Bảo Lộc từng được biết đến là thủ phủ của trà và tơ lụa. Hiện nay, diện tích trồng trà có giảm một ít nhưng nói như ông Trần Đại Bình, Giám đốc Công ty Trà Thiên Thành Bảo Lộc, đừng nghĩ vậy mà bảo rằng ngành trà Bảo Lộc đang đi xuống. "Chúng tôi đang theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng chứ không phải mở rộng diện tích như trước đây. Chúng tôi đã làm được điều đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tôi vẫn tự hào rằng Bảo Lộc là cái nôi của ngành trà Tây Nguyên và cái nôi ấy đang lớn lên" - ông Trần Đại Bình tâm đắc.

Theo ông Bình, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp và trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến trà với sản lượng khoảng 23.000 - 25.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 14,49 triệu USD.

Trồng trà không chỉ thu hoạch sản phẩm mà còn để phát triển du lịch, đó là điều mà nhiều nông dân ở Bảo Lộc đang đầu tư. Anh Trần Nhật Quang, ngụ phường Lộc Tiến, cho biết rất nhiều đoàn du khách đến Bảo Lộc muốn trải nghiệm trên các đồi trà. "Họ đến tham quan, trải nghiệm cách trồng trà rồi tự tay pha chế trà xanh để thưởng thức. Cần có kế hoạch và lồng ghép nội dung này trong chương trình tuần lễ văn hóa trà và tơ lụa vào cuối năm 2019 bằng các hoạt động cụ thể thu hút du khách" - anh Quang đề nghị.

Về ngành tơ lụa, ông Nguyễn Văn Triệu tự hào rằng sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông...

Bảo Lộc đang có khoảng 600 ha trồng dâu nuôi tằm với 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hằng năm, TP sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ, 3,5 triệu m2 lụa các loại. "Tơ lụa Bảo Lộc" được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2017. Từ đó đến nay, UBND TP Bảo Lộc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Tơ lụa Bảo Lộc" cho 8 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ươm tơ dệt lụa.

Để phát triển hơn nữa, Bảo Lộc đang tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất trứng giống tằm, xây dựng mô hình cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm và xây dựng liên kết tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tơ tằm.

 

Xây dựng thương hiệu cà phê Bảo Lộc

Dù có diện tích cà phê không phải nhiều nhất tỉnh, chỉ gần 13.000 ha, nhưng cà phê Bảo Lộc đang rất nổi tiếng với giống catimor mà nhiều gia đình đang chuyên canh và đạt năng suất bình quân 4 - 4,5 tấn/ha, doanh thu từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Bảo Lộc đạt trên 175 triệu USD.


ĐÌNH THI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.