Bánh mì - 'siêu sandwich' Việt Nam chinh phục thế giới lên báo Hong Kong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bánh mì, món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam, mới đây lại được vinh danh trong một bài viết trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong.

 Theign Yie Phan tại tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong - Ảnh: SCMP
Theign Yie Phan tại tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong - Ảnh: SCMP



"Theign Yie Phan xẻ ổ bánh mì baguette ra, cho vào từng lát thịt heo, chả lụa, patê gan gà và bơ. Tiếp theo cô ấy cân bằng hương vị của món ăn bằng những lát dưa leo tươi ngon, đồ chua, nước tương, ngò rí, hành lá và ớt cho hương vị bùng nổ", bài viết Câu chuyện bánh mì - "siêu sandwich" Việt Nam chinh phục thế giới miêu tả tỉ mỉ công đoạn làm một ổ bánh mì tại tiệm Le Petit Saigon.

Mỗi buổi sáng, cô Theign Yie Phan luôn phải "đấu tranh tư tưởng" để không ăn bánh mì, bởi hầu như cô ăn món này suốt 7 ngày trong tuần. Thế nhưng cai bánh mì không phải là chuyện dễ, nhất là khi cô lại là bếp trưởng của một tiệm bánh mì Việt ở khu thương mại Wan Chai.

"Ăn bánh mì không ngán được đâu", bếp trưởng Le Petit Saigon vừa nói vừa cười.

"Bánh mì có sự cân bằng giữa hương vị và kết cấu, lớp vỏ bánh mì nóng giòn, hương vị đậm đà của thịt, cái nồng của dưa chua", Theign Yie Phan giải thích về món ăn được SCMP gọi là một trong những món ăn "xuất khẩu" nổi tiếng nhất của Việt Nam, cùng với phở.


 

Theign Yie Phan tại tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong - Ảnh: SCMP
Theign Yie Phan tại tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong - Ảnh: SCMP



Từ chiếc baguette Pháp đến ổ bánh mì Việt

Làm cách nào mà một đất nước Đông Nam Á nổi tiếng với gạo và các món mì, bún, lại trở thành cái nôi của món sandwich rất "Tây"? Bài viết của SCMP đi tìm câu trả lời.

Bánh mì bắt đầu xuất hiện từ 130 năm trước khi người Pháp vào Việt Nam, văn hóa và ẩm thực Pháp từ đó cũng du nhập theo.

"Người Pháp cần ăn thức ăn của họ, nên mang những thứ như là lúa mì để làm bánh mì, phô mai, cà phê, và các sản phẩm khác mà họ dùng mỗi ngày", Peter Cường Franklin, người bỏ công nghiên cứu ảnh hưởng của ẩm thực Pháp đối với Việt Nam, giải thích trong bài viết.


 

Bếp trưởng Peter Cường Franklin - Ảnh: Anan Saigon
Bếp trưởng Peter Cường Franklin - Ảnh: Anan Saigon



Từ đó, người Việt quen dần với các loại thức ăn Pháp, dù thời điểm đó khá đắt đỏ. Khi lúa mì và kỹ thuật làm bánh mì baguette được "nhập khẩu" vào Việt Nam, người Việt, đặc biệt là người Việt gốc Hoa, học được cách làm bánh mì của riêng họ, Peter nói thêm.

Theo đầu bếp người Mỹ gốc Việt này, phiên bản bánh mì ở Việt Nam đã được cải biên cho phù hợp với khẩu vị địa phương, bằng cách cho thêm men và nước trong quá trình làm bánh, để ổ bánh mì Việt nhẹ hơn bánh mì baguette của Pháp.

Người Pháp thường ăn bánh mì baguette cùng patê gan gà hoặc ngỗng. Tuy nhiên người Việt cho rằng ăn như vậy quá ngấy, nên họ đã phát triển phiên bản bánh mì của riêng mình với patê gan heo, rẻ và dễ làm hơn.


 

Một hàng bánh mì đậm chất Việt Nam - Ảnh: SCMP
Một hàng bánh mì đậm chất Việt Nam - Ảnh: SCMP



Bánh mì - hiện tượng toàn cầu

Từ một món ăn dân dã trên đường phố Sài Gòn, bánh mì ngày nay vụt sáng trở thành hiện tượng toàn cầu, đặc biệt là ở những nước có nhiều người Việt như Úc, Mỹ…

Ngày nay, có hơn 1,3 triệu người Việt đang sinh sống ở Mỹ, ẩm thực truyền thống của họ đã và đang được người Mỹ đón nhận.

"Mỹ là trung tâm văn hóa đại chúng, và qua năm tháng, các show truyền hình, du lịch, Anthony Bourdain, blog ẩm thực và mạng xã hội đã giúp giới thiệu món ăn độc đáo của Việt Nam đến người dân ở đó", bếp trưởng Theign Yie Phan giải thích.
Bánh mì - ‘siêu sandwich’ Việt Nam chinh phục thế giới lên báo Hong Kong - Ảnh 5.


 

Một xe bánh mì ở Hà Nội - Ảnh: Alamy
Một xe bánh mì ở Hà Nội - Ảnh: Alamy



Theign Yie Phan tin rằng nhiều người Mỹ thích bánh mì Việt vì nguyên liệu của món này rất quen miệng đối với họ, từ bánh mì, đến thịt, rau củ ngâm chua…

Ở Hong Kong, tiệm Le Petit Saigon của cô bán được khoảng 90 ổ bánh mì hằng ngày. Menu chính của tiệm cô gồm có nhân thịt heo, gà và bánh mì chay với đậu hũ, thế nhưng cô gái trẻ này không ngại sáng tạo.


 

Mỗi ngày tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong bán được khoảng 90 ổ, đắt hàng nhất là bánh mì thịt heo - Ảnh: SCMP
Mỗi ngày tiệm bánh mì Le Petit Saigon ở Hong Kong bán được khoảng 90 ổ, đắt hàng nhất là bánh mì thịt heo - Ảnh: SCMP




Món bán chạy nhất tiệm của Theign Yie Phan là bánh mì nhân thịt heo kiểu Sài Gòn.

 

Ổ bánh mì 100 USD

 

 Ổ bánh mì 100 USD của Peter Cường Franklin - Ảnh: Anan Saigon
Ổ bánh mì 100 USD của Peter Cường Franklin - Ảnh: Anan Saigon



Nhà hàng Anan Saigon ở quận 1, TP.HCM, của bếp trưởng Peter Cường Franklin, là nơi bán ổ bánh mì có giá đến 100 USD, được làm từ sốt mayonnaise nấm truffle, patê, sườn nướng, gan ngỗng, rau mùi, ăn kèm khoai lang chiên và trứng cá caviar.

"Một phần sứ mệnh của tôi là nâng tầm ẩm thực Việt, khiến người ta phải thay đổi suy nghĩ về thức ăn Việt Nam.

Bánh mì rất nổi tiếng trên thế giới vì tốt cho sức khỏe, nhẹ nhàng, hương vị phong phú. Nhưng vấn đề của chúng ta là người ta cứ nghĩ đồ ăn Việt ngon, nhưng phải rẻ, nên tôi quyết định làm gì đó điên rồ để thay đổi suy nghĩ của họ", bếp trưởng Peter chia sẻ tâm huyết của anh.

Ngọc Đông (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.